Hôm 26/1, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết rượu ngâm thuốc bao gồm hai loại là ngâm dược liệu và động vật. Với động vật, mọi người hay sử dụng rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung... để ngâm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng (không rõ nguồn gốc, xuất xứ) chiếm 42%; rượu ngâm cây "thuốc" 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng như ong đất, tắc kè, mật động vật khoảng 10%. Đây là lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, nhiều gia đình sử dụng động vật hoang dã còn nguyên con, nguyên lông để ngâm rượu như bìm bịp, tắc kè, rắn, chim, bàn tay gấu, vảy tê tê... Động vật càng quý hiếm, càng thể hiện đẳng cấp người sở hữu. "Dường như họ không nhận thức được sử dụng các loại sản phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể. Đặc biệt, sử dụng các loại rượu ngâm động vật này cũng có thể gây độc thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Sơn cho hay.
Tổ chức Wildlilife Conservation Society Việt Nam (WCS) thực hiện nghiên cứu thứ cấp, rà soát, phân tích hơn 100 bài báo, nghiên cứu liên quan các mầm bệnh lây truyền giữa người và động vật trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã tại Việt Nam.
Theo đó, 157 trên tổng số 232 mầm bệnh khả năng lây truyền giữa người và động vật. Cụ thể, 116 (trên tổng số 157) mầm bệnh phát hiện trên động vật hoang dã, 54 mầm bệnh phát hiện trên động vật nuôi, và 13 mầm bệnh phát hiện trên cả động vật nuôi và động vật hoang dã. Từ các kết quả nghiên cứu, một số loài thường bị ngâm rượu (kỳ đà, gấu...) đều thuộc nhóm động vật khả năng mang những mầm bệnh có thể lây truyền giữa người và động vật.
Bên cạnh nguy cơ sức khỏe, việc săn bắn, buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm và bộ phận của động vật hoang dã còn đối diện với các rủi ro pháp lý. Theo một chuyên gia của WCS, quy định của pháp luật hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết nuôi, nhốt vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 400 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên tới 12 năm hoặc 15 năm tù, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.
Cá nhân sở hữu bình rượu ngâm động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp có thể bị xử lý theo hành vi tàng trữ trái phép động vật hoang dã. "Hoặc nếu liên quan đến các hành vi vi phạm khác như săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu ngâm rượu thì cá nhân cũng có thể bị xem xét xử lý theo các hành vi này", đại diện WCS cho hay, thêm rằng sử dụng động vật hoang dã ngâm rượu càng quý, hiếm thì người sở hữu càng phải đối diện với trách nhiệm pháp lý cao hơn.
Vì vậy, người dân cần nhận thức rõ về tác hại, rủi ro về sức khỏe do bệnh lây truyền cũng như rủi ro về pháp lý để hạn chế và tiến tới loại bỏ việc tiêu thụ động vật hoang dã, sản phẩm và bộ phận của động vật hoang dã.
Lê Nga