Sáng 5/9, một vụ nổ bóng bay xảy ra tại lễ khai giảng trường Tiểu học Yên Phú, huyện Yên Định, Thanh Hóa khiến 10 trẻ bị bỏng. Một học sinh đã về nhà, 9 em tiếp tục ở lại viện theo dõi, điều trị. Nguyên nhân là một thầy giáo hút thuốc lá, lửa từ điếu thuốc châm vào bóng bay có bơm khí hydro, phát nổ.
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, cho biết hydro là chất khí rất dễ bắt cháy, là nguyên nhân gây nhiều vụ nổ công nghiệp hoặc cháy nổ trong sinh hoạt. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hàng chục nạn nhân bị bỏng nặng do nổ bóng bay sử dụng khí này.
Khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng hoặc ra ngoài trời nắng là có thể nổ tung. Khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh, nguy cơ gây bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay cho người cầm.
"Nếu tiếp xúc nhiều, nạn nhân nguy cơ bỏng sâu, bỏng hô hấp, nguy hiểm tính mạng", ông Minh nói, thêm rằng, bỏng còn gây tác động rất mạnh về tâm thần đối với bệnh nhân. Bệnh nhân nguy cơ bị stress cấp, trầm cảm, lo âu. Do đó, ngoài điều trị thể xác, người bệnh phải điều trị tâm lý để tái hòa nhập cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, nói khí hydro hoặc khí heli đều giúp bóng bay được lên. Trong đó, heli không màu, không múi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường. Còn hydro cũng không màu, không mùi, trong suốt nhưng dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường, được sử dụng làm bom. Do đó, nhiều nước phát triển đã cấm dùng hydro mà chỉ cho phép bơm heli.
Hiện, Việt Nam chưa ban hành lệnh cấm hydro. Ngoài ra, giá hydro chỉ bằng 1/4 so với heli, nên một số người bán bóng bay vẫn bơm hydro vào quả bóng để tiết kiệm kinh phí.
"Khi phát nổ, quả bóng bay chứa hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng, chưa kể áp lực tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn", bác sĩ cho biết. Nạn nhân có nguy cơ bị bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, mảnh bóng bay có thể xuyên qua cổ họng, làm mù mắt.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị gặp trường hợp nổ bóng bay cần bình tĩnh, tránh hoảng hốt gây thêm cháy nổ. Khi bị bỏng, mọi người nên hạ nhiệt vết thương cho nạn nhân bằng nước sạch, mát (16-20 độ c), sau đó che phủ tạm thời và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể khám các triệu chứng bỏng đường hô hấp và bỏng kết giác mạc để được điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng. Trẻ em bị bỏng có nguy cơ sang chấn tâm lý, cần được gia đình và bác sĩ hỗ trợ điều trị thêm.
Bên cạnh đó, người lớn cần lưu ý khi cho trẻ chơi bóng. Trường hợp mua bóng bay để trang trí, bắt buộc phải hỏi người bán, đảm bảo bóng bay được bơm khí heli, "do không thể phân biệt được bằng mắt thường". Không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tính mạng.
Chính quyền cần ban hành lệnh cấm bóng bay ở những nơi đông người, như cấm mang bóng bay trên phương tiện giao thông công cộng, cấm dùng trong những bữa tiệc đông người.
Cả nước từng ghi nhận nhiều vụ nổ bóng bay khiến nhiều người bỏng nặng. Đêm trung thu tháng 9/2016, một vụ nổ bóng bay tại Quảng Bình khiến 9 người bị bỏng nặng. Ba tháng sau, một vụ nổ ở Hà Nội khiến một người phụ nữ nhập viện cấp cứu. Tháng 2/2017, quả bóng bay bất ngờ phát nổ trong xe ô tô 4 chỗ ở Hà Nội khiến một cháu nhỏ bị bỏng vùng mặt, ba người khác bị cháy sém tóc.
Tháng 9/2019, các cầu thủ U14 Sông Lam Nghệ An dùng bóng bay che nắng, một người đàn ông dùng bật lửa, chùm bóng phát nổ bốc cháy làm ba cầu thủ bị bỏng. Tháng 5/2022, một học sinh ở Tuyên Quang gỡ chùm bóng bay trang trí, không may bị phát nổ và bốc cháy, nạn nhân bị bỏng độ II, III ở mặt và cánh tay.
Thùy An