Ngày 13/12, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (38 tuổi, ngụ TP HCM) đưa con gái 11 tuổi đến Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm vaccine phòng uốn ván. Con gái chị Huyền bị ngã khi tập xe đạp, khuỷu và bàn tay rướm máu. Chị Huyền chia sẻ, trước kia không quan tâm nhiều với những tai nạn nhỏ, chỉ gây xây xát. Tuy nhiên, vài ngày trước, đọc báo thấy trường hợp người đàn ông 39 tuổi ở Hòa Bình bị que nhọn đâm vào đầu gối và mắc bệnh uốn ván do không tiêm phòng, suýt tử vong; chị mới lo lắng cho vết thương của con.
"Khi tôi thấy con gái bị ngã xe, vết xước rướm máu làm tôi liên tưởng đến trường hợp trên. Cộng thêm những kiến thức về bệnh uốn ván tích lũy được, tôi quyết định đưa con đi tiêm vaccine uốn ván. Phòng bệnh hơn chữa bệnh", chị Huyền nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết uốn ván được xem là một trong những bệnh lý thuộc nhóm nguy cơ cao cần phòng ngừa sớm. Những vết xước chảy máu do ngã xe, đứt tay, va vào cành cây gây xước da, gai đâm, gà mổ... nếu để lâu, trực khuẩn uốn ván có thể theo vết thương xâm nhập cơ thể, phát triển thành ổ nhiễm trùng nguy hiểm.
Theo BS.CKI Huỳnh Văn Mười Một, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói thêm: Trực khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng độc tố vào máu và tấn công vào thần kinh - cơ. Bệnh có thời gian ủ bệnh từ 5 ngày đến một tháng, sau khi phát bệnh thì diễn tiến rất nhanh.
Khi tấn công vào cơ thể, trực khuẩn uốn ván gây cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, co giật toàn thân nhanh dẫn đến suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật... Trong một số trường hợp, người bệnh cần được cấp cứu, mở khí quản kịp thời, điều trị uốn ván bằng kháng sinh và trung hòa độc tố để giảm nguy cơ tử vong.
"Bệnh cũng có thể để lại các di chứng như điếc, hạn chế về thần kinh và vận động, liệt do phải thở máy dài ngày, quá trình điều trị phục hồi chức năng rất dài mới có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường", Bác sĩ Mười Một chia sẻ.
Trực khuẩn uốn ván sống trong đất, bùn, phân gia súc gia cầm... nên những đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh là người nông dân, làm vườn tiếp xúc trực tiếp với đất; người chăn nuôi gia súc gia cầm; công nhân xây dựng... Trẻ sơ sinh có thể mắc uốn ván sơ sinh do quá trình cắt dây rốn bằng dụng cụ không được vô trùng hoặc sau khi sinh không được chăm sóc rốn sạch sẽ, băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn.
Những người bị xây xước do va chạm khi tham gia giao thông, tiếp xúc với những đồ vật bẩn ở nhà, nơi làm việc cũng có nguy cơ nhiễm uốn ván. Tùy theo mức độ bệnh mà thời gian điều trị uốn ván có thể từ 2-4 tuần.
BS Chính khuyến cáo, để giảm nguy cơ nằm viện lâu, sử dụng kháng sinh và mắc các di chứng không mong muốn, mọi người, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên đi tiêm vaccine từ sớm để phòng bệnh. Người dân khi làm việc tiếp xúc với đất, bùn cần trang bị bảo hộ đầy đủ như giày, găng tay... Nếu bị vật dụng sắc nhọn làm bị thương, dù chỉ mức độ nhẹ hoặc xây xước, người dân cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy, sát trùng bằng cồn và vùng da xung quanh, tùy mức độ để băng bó vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế hoặc trung tâm tiêm chủng gần nhất để tiêm huyết thanh, vaccine phòng uốn ván.
Nhờ tiêm chủng, Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván trên trẻ sơ sinh từ năm 1992, tuy nhiên còn nhiều người lớn sinh trước 1992 chưa được tiêm phòng bệnh này. Bởi vậy, người dân cần chủ động tiêm dự phòng uốn ván khi có vết thương dập nát, sâu, bẩn, hoặc ngay cả với vết thương nhẹ.
Anh Chi
Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC hiện có gần 100 trung tâm trên cả nước, ở cả tuyến xã, huyện vùng sâu vùng xa. Trong đó, VNVC đang có các loại vaccine phòng uốn ván gồm vaccine kết hợp và vaccine đơn dành cho trẻ em và người lớn với nhiều ưu đãi giá. Tùy từng trường hợp và lịch sử tiêm chủng, người dân sẽ được các bác sĩ khám sàng lọc và tư vấn lịch tiêm phù hợp.
Vaccine Infanrix Hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp) - phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà - uốn ván, bại liệt, Hib - viêm gan B; vaccine Pentaxim (Pháp) - phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib; vaccine Boostrix (Bỉ) hoặc Adacel (Canada) - phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván; vaccine Td (Việt Nam) - phòng 2 bệnh bạch hầu, uốn ván; vaccine VAT (Việt Nam) - phòng uốn ván cho trẻ em và người lớn.