Con rùa mai mềm thuộc loài giải Swinhoe (còn gọi là rùa Hoàn Kiếm) ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu năm 2007. Năm 2018 UBND TP Hà Nội từng ban hành kế hoạch về bảo tồn các cá thể rùa Hoàn Kiếm, trong đó có chương trình sinh sản cho loài rùa này.
Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ điều tra, khảo sát số lượng, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại các hồ Xuân Khanh và Đồng Mô. Các biện pháp bảo vệ và xây dựng môi trường sinh thái, đa dạng sinh học tại hồ để rùa Hoàn Kiếm sinh trưởng cũng được triển khai.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, các nghiên cứu xác định môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản. Đến giai đoạn 2026-2030 Hà Nội sẽ triển khai các dự án ghép đôi sinh sản, ươm nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm.
Thế nhưng sau cái chết của rùa ở Đồng Mô hôm 23/4, hiện thế giới chỉ còn ghi nhận chính thức hai cá thể, gồm một tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) và một ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội).

Xác rùa được lấy mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chiều 24/4. Ảnh:Võ Hải
Đốỉ với loài rùa Hoàn Kiếm, số lượng các cá thể được phát hiện rất ít, việc ghép đôi sinh sản vốn đưọc coi là biện pháp mở ra hy vọng khôi phục quần thể loài. Tuy nhiên trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn do các cá thể cực kỳ ít, các nhà khoa học cho rằng rất khó để nhân giống thành công.
Tại Trung Quốc trước năm 2019 ghi nhận hai cá thể chính thức gồm một đực, một cái, cùng sống tại vườn thú Tô Châu. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tiến hành ghép đôi sinh sản con rùa mai mềm đực duy nhất với rùa cái nhưng chúng không thể sinh sản tự nhiên kể từ khi được nhốt chung từ năm 2008. Sau đó, trong quá trình nhân giống và gây mê khi thụ tinh nhân tạo cá thể cái đã chết vào tháng 4/2019, theo Guardian.
Với phương pháp nhân bản vô tính cũng khó khả thi. Đây là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh (không phân biệt giới tính). Tức là các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Phương pháp này lần đầu được công bố trên thế giới với sự ra đời của chú cừu Dolly năm 1997.
Tuy nhiên PGS. TS Phan Kế Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, cho rằng rất khó để thực hiện nhân bản bởi thời gian con vật chết đã lâu, nhất là ở tế bào chết càng khó.
Thực tế, việc nhân bản vô tính không phải là không làm được bởi ADN tồn tại trong tế bào khá lâu, tùy thuộc vị trí sinh vật chết. Hồi năm 2021, các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu cho thấy khôi phục và giải mã được ADN từ răng của những con voi ma mút sống tại Đông Bắc Siberia (Nga) cách đây gần 1,2 triệu năm trước.
Nhưng GS.TS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam, cho biết kỹ thuật nhân bản rất đắt tiền và cần có hệ thống phòng thí nghiệm đủ trình độ, sẵn có, mới có thể làm được.
Với rùa ở Đồng Mô, theo GS Lương việc nhân bản từ tế bào chết khó khăn hơn rất nhiều. Ông lo ngại biện pháp này có chi phí tốn kém, nên ưu tiên các đối tượng nghiên cứu dễ thực hiện hơn và có tính khả thi. "Hiện nay người ta sử dụng biện pháp nhân bản trên đối tượng sinh vật cần thiết hơn, thay vì chọn đối tượng khó, nhất là các sinh vật đa tế bào", ông nói.

Cận cảnh xác rùa được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chiều 24/4. Ảnh:Võ Hải
Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Năm 2020, khi công bố kết quả phân tích gene rùa ở hồ Đồng Mô, các chuyên gia cho biết trong hồ còn ít nhất một con nữa. Họ từng phát hiện cả hai nổi lên mặt nước tại một thời điểm và chụp được hình ảnh. Dù vậy, việc xác nhận cá thể rùa thứ hai có phải rùa Hoàn Kiếm hay không, cần chờ bẫy bắt, phân tích gene.
Hiện xác rùa ở hồ Đồng Mô đã được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (quận Cầu Giấy) hôm 24/4. Tại đây, các chuyên gia đã lấy 15 mẫu ở bụng rùa phục vụ cho việc nghiên cứu xác định loài, độ tuổi, nguyên nhân chết. Hiện xác rùa được bảo quản trong phòng lạnh âm 20 độ C, nhằm phục vụ chế tác hoặc nghiên cứu về DNA, cấu trúc di truyền. Dựa theo kinh nghiệm với mẫu rùa Hồ Gươm chết hồi tháng 1/2016, lãnh đạo Bảo tàng thiên nhiên đề xuất nên xử lý xác rùa làm tiêu bản, bằng phương pháp nhựa hóa là tối ưu nhất.
Như Quỳnh