Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết cán bộ thuộc tổ chức phi chính phủ về bảo vệ rùa phát hiện rùa chết sáng 23/4. Nó đã được lấy thông tin, gắn chip và thả lại hồ năm 2020. "Hôm qua, chuyên gia lên dùng thiết bị kiểm tra và chip đã phát tín hiệu. Hiện chưa rõ nguyên nhân rùa chết", ông Vinh nói.
Chiều 24/4, xác rùa đã được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (quận Cầu Giấy). Qua kiểm tra ban đầu, rùa dài 1,56 m, nặng 93 kg, xác trương phình và không có dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Các chuyên gia đã lấy 15 mẫu ở bụng rùa phục vụ cho việc nghiên cứu xác định loài, độ tuổi, nguyên nhân chết.
Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoei, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai con ở Trung Quốc, một ở hồ Đồng Mô và một ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây, Hà Nội). Con rùa Rafetus swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết tháng 1/2016.
Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu năm 2007. Một năm sau, trong trận lụt lịch sử của Hà Nội, nó lọt ra ngoài hồ và bị ngư dân bắt. Nhờ sự vận động của cơ quan chức năng và giới bảo tồn, rùa được đưa lại hồ, theo dõi đến nay.
Năm 2020, khi công bố kết quả phân tích gen rùa ở hồ Đồng Mô, các chuyên gia cho biết trong hồ còn ít nhất một con nữa. Họ từng phát hiện cả hai nổi lên mặt nước tại một thời điểm và chụp được hình ảnh.
Theo kế hoạch bảo tồn các cá thể giải Swinhoei của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất ghép đôi sinh sản, sau đó thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản loài rùa Hoàn Kiếm.
Võ Hải