Mùa mưa bão, lũ lụt đã bắt đầu ở miền Trung và miền Tây. Đây là thời điểm tiềm ẩn của dịch bệnh bởi nguy cơ nhiễm khuẩn từ vô số vi khuẩn gây bệnh từ rác, chất thải... có thể hòa vào dòng nước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khuyến cáo: "Tình trạng thiếu nước sạch vào mùa bão lũ, nước nổi không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của bà con mà còn là nguồn khởi phát của các bệnh truyền nhiễm đặc thù. Các bệnh thương hàn, tả, tiêu chảy cấp, trái rạ, cảm cúm, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, sởi - quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản... có thể tăng đột biến, nguy cơ bùng phát thành dịch".
Đặc biệt, thời gian vừa qua, các tỉnh đang đón lượng lớn lao động trở về quê sau giãn cách xã hội. Đây cũng là yếu tố thuận lợi cho nhiều mầm bệnh truyền nhiễm lây lan. Số ca mắc Covid-19 ở nhiều tỉnh miền Tây gia tăng cũng gây nguy cơ "dịch chồng dịch", tình trạng lây nhiễm chéo, đồng nhiễm nhiều bệnh, các bệnh bội nhiễm về da... cùng một lúc có thể xảy ra.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, trong mùa lũ lụt, ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước, thực phẩm bị ô nhiễm, người dân cũng đối diện các bệnh lây truyền qua tiếp xúc về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do vi khuẩn E. coli, tả, tiêu chảy do rota virus, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A... Trẻ em còn có nguy cơ mắc bệnh tay - chân - miệng.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cũng đặc biệt khuyến cáo, dịch sốt xuất huyết năm nay cũng có khả năng bùng phát mạnh ở quy mô khá lớn theo chu kỳ 4 năm. Sốt xuất huyết được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Đáng nói hơn, một số triệu chứng của sốt xuất huyết rất dễ gây nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau, mỏi cơ. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán chuẩn xác để tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn trong điều trị bệnh.
Vì vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo: "Môi trường bão lũ cũng thuận lợi cho virus cúm phát triển, lây lan. Virus Covid-19 và virus cúm đều tấn công phổi, gây viêm, tràn dịch trong phổi hoặc suy hô hấp. Bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, não hoặc cơ. Nguy cơ viêm phổi sẽ cao hơn nếu đồng nhiễm virus cúm và virus Sars-CoV-2. Hai loại virus kết hợp có thể khiến tổn thương phổi nhiều hơn và suy hô hấp nặng hơn".
"Ngoài ra, các dịch bệnh khác như sởi - quai bị - rubella, viêm não Nhật Bản... có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh vẫn lưu hành, buộc người dân không được phép chủ quan", bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm khi tình trạng đồng nhiễm các bệnh xảy ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: "Khi bị mắc một bệnh, cơ thể giảm khả năng miễn dịch và khiến người bệnh dễ mắc thêm nhiều bệnh khác, gây tốn kém chi phí điều trị, đe dọa sức khỏe, có thể tạo áp lực nặng nề cho hệ thống y tế".
Thực tế, nếu chẳng may dịch bệnh xảy ra, điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt; địa hình sạt lở khó di chuyển còn có thể khiến bệnh nhân không được khám và điều trị kịp thời dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Đặc biệt, việc chủ động tiêm vaccine là rất cần thiết để chặn đứng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện nay, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC có nhiều loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm quan trọng như: vaccine phòng bệnh đường ruột (thương hàn, tả), sởi - quai bị - rubella, vaccine cúm mùa tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp), vaccine 6 trong 1, vaccine phế cầu, vaccine Rotavirus, vaccine trái rạ (thủy đậu), viêm não Nhật Bản... cùng hàng chục loại vaccine khác được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ nhỏ và người lớn trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi; tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cuối cùng, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Anh Ngọc
Để tìm hiểu thêm về việc giữ gìn sức khỏe trong mùa mưa lũ, mời độc giả đón xem chương trình tư vấn trực tuyến: "Trái rạ, sởi, thương hàn, viêm não Nhật Bản & vaccine phòng bệnh mùa mưa lũ" diễn ra lúc 20h ngày 21/10.
Chương trình được trực tiếp trên các nền tảng online của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, báo Vnexpress, báo Thanh Niên, với sự tham gia của 3 chuyên gia hàng đầu về Y học dự phòng, Tiêm chủng và Nhi khoa:
- BS Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM
- BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC
- ThS.BS Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thể gửi câu hỏi ngay từ bây giờ để được tư vấn cùng các chuyên gia tại đây.