ThS.BS Nguyễn Văn Mùi, khoa Nội tiết, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết tiểu đường hay đái tháo đường là bệnh rất phổ biến hiện nay và cũng là yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý về tim mạch. Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2021 có 537 triệu người đang bị đái tháo đường. Người mắc bệnh tiểu đường đặc trưng là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao, lâu dần sẽ dẫn tới biến chứng ở các cơ quan khác trong cơ thể, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong.
Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường thực chất là biến chứng mạch máu. Tùy thuộc vào vị trí và độ lớn của mạch máu, có thể chia thành biến chứng mạch máu lớn hoặc biến chứng mạch máu nhỏ. Biến chứng mạch máu lớn xảy ra ở tim, não, chân, tay, vùng ngoại biên.
Theo thời gian, do lượng đường trong máu tăng cao, kéo theo các biến chứng khác như rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, tổn thương các mạch máu dẫn đến hẹp, xơ vữa, tắc mạch máu, từ đó dẫn đến đột quỵ. Người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần và khả năng hồi phục lâu hơn người bình thường.
Biến chứng đột quỵ do bệnh tiểu đường xảy ra ở não gây tắc, vỡ mạch máu não gọi chung là đột quỵ hay tai biến mạch máu não. Lý do xảy ra tình trạng này là người bị tiểu đường thường kèm theo rối loạn mỡ máu, huyết áp cao,... lớp nội mạc mạch máu (lớp bên trong của thành mạch máu) bị tổn thương. Tình trạng này khiến lớp nội mạc không được trơn tru, dễ làm cho tế bào tiểu cầu bám vào đó, lâu ngày hình thành cục máu đông, gây tắc mạch máu não, dẫn tới tai biến.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch tim ở người mắc bệnh đường cao gấp 3 lần so với người bình thường. Người mắc bệnh tiểu đường khi bị nhồi máu cơ tim triệu chứng có thể không rõ ràng, không đau như người bình thường. Thậm chí nhiều trường hợp không có triệu chứng, do hệ thần kinh cảm giác cảm nhận lâu ngày bị rối loạn.
Ở vùng ngoại biên, người bệnh tiểu đường có thể bị tắc, hẹp và hay gặp nhất là hai chi dưới gây thiếu máu, hoại tử chi. Trường hợp người bị đái tháo đường lâu năm, nếu không kiểm soát tốt gây xơ vữa, tắc mạch khiến máu không thể lưu thông, có thể phải tháo khớp chân, khớp tay hoặc cắt cụt chân, cụt tay.
Người mắc bệnh tiểu đường dẫn tới biến chứng mạch máu nhỏ thường gây suy thận mạn hoặc tổn thương ở đáy mắt, dẫn tới mù lòa.
Cũng theo bác sĩ Mùi, biến chứng từ bệnh tiểu đường gây ra là vô cùng nặng nề. Vì vậy, để phòng tránh biến chứng chúng ta cần kiểm soát tốt một cách toàn diện và đồng bộ: đường máu, huyết áp, mỡ máu, không hút thuốc, đồng thời cần thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị và kiểm soát sớm vai trò quan trọng nhằm kiểm soát sớm bệnh và dự phòng biến chứng. Những người trong gia đình có người thân ruột thịt (bố, mẹ, anh chị em ruột) đã bị tiểu đường sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Ngoài ra, người thừa cân, béo phì, người ít vận động, người bị cao huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng phải quan tâm và phát hiện sớm bệnh tiểu đường. Phụ nữ mang thai đã từng bị tiểu đường thai kỳ cũng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 khi bước sang tuổi trung niên hoặc về già.
Bác sĩ nhấn mạnh, bệnh tiểu đường được xem là "kẻ giết người thầm lặng" vì phần lớn người bệnh không có triệu chứng ở giai đoạn đầu và biến chứng âm ỉ qua thời gian. Phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là cách phòng tránh hoặc làm chậm diễn tiến các biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này.
Lê Nga