Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Mỹ và Nga nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác mới, thay thế cho sự đối đầu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong suốt 25 năm qua, mối quan hệ này trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn được duy trì với một phương thức hợp tác đặc biệt.
Bất kể là rạn nứt sau khủng hoảng tại Kosovo, chiến tranh Iraq hay vấn đề Gruzia, quan hệ Nga-Mỹ vẫn luôn được điều chỉnh để tái lập trạng thái cộng sinh, dù không vững chắc và ổn định.
Tuy nhiên, ngày 18/3, Điện Kremlin tổ chức lễ ký kết hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga và Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu lịch sử. Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Nga ra phán quyết khẳng định tính hợp hiến của hiệp ước trên, mở đường cho tiến trình hợp pháp hóa tại quốc hội.
Theo nhiều chuyên gia, quyết định này sẽ mở ra một thời kỳ đầy nguy hiểm, nếu không phải là một cuộc chiến tranh Lạnh mới, thì cũng sẽ là giai đoạn đối kháng lâu dài, với quá trình hàn gắn xa vời.
"Đây là một trận động đất, và không chỉ là cơn địa chấn nhỏ cấp 4", New York Times dẫn lời nhà nghiên cứu các vấn đề Nga Toby Gati, thuộc công ty luật Akin Gump. Gati từng là quan chức dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton.
Bà Gati cho rằng cuộc xung đột lần này có lẽ không đến mức khiến các bên quay trở lại trạng thái thời Chiến tranh Lạnh, nhưng chắc chắn sẽ phá vỡ hình thái quan hệ được xác lập từ năm 1989.
Ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống George W. Bush, cũng cho rằng rạn nứt mà lần xung đột này gây ra sẽ khó hàn gắn hơn so với những lần khác trong quá khứ, bởi "Moscow trên thực tế đang thay đổi trật tự quốc tế được xây dựng thời hậu Liên Xô".
"Ông Putin đang vẽ lại đường biên giới châu Âu thời hậu Thế chiến II. Tôi không hy vọng đây là một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, không ai muốn nhìn thấy điều đó", cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết. Bà Hillary được nhận định là ứng cử viên tiềm năng của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016.
Trước lễ sáp nhập, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin thừa nhận rằng "thế giới đơn cực đã kết thúc và Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn". Ông Rogozin là một trong các quan chức Nga bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế.
Ngay sau khi hiệp ước Nga - Crimea được ký kết, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phản đối. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích hành động của Nga là "chiếm đất" và tái khẳng định Moscow sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh hơn.
Nhưng các quan chức Mỹ cũng không hề lạc quan về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt. Vấn đề Washington cùng đồng minh quan tâm là tương lai của khu vực miền đông Ukraine, nơi đa số người dân nói tiếng Nga và liệu một kịch bản tương tự như Crimea có tái diễn tại đây.
Trong thời gian ngắn, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến quan hệ Washington - Moscow khó lòng quay trở lại trạng thái bình thường. Mỹ và các nước phương Tây quyết định nhóm họp hội nghị G7 vào tuần sau, đồng nghĩa với sự tan vỡ của nhóm G8 mà Nga gia nhập từ năm 1998.
Các lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng cũng phải đối đầu với các yếu tố bất định. Mỹ phụ thuộc vào tên lửa của Nga nếu muốn ra vào Trạm Không gian Quốc tế (ISS), và phải bay qua lãnh không của Nga nếu muốn tiến vào Afghanistan. Cơ quan tình báo hai nước có cơ chế chia sẻ thông tin về các tổ chức khủng bố. Các chuyên gia Mỹ giúp Nga giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong vòng đàm phán vừa qua về vấn đề hạt nhân Iran tại Geneva, các quan chức ngoại giao Nga ban đầu đe dọa ngăn cản công việc của các nhân viên điều tra Mỹ được quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START mới) do Tổng thống Obama ký duyệt, nhưng sau đó lại thông báo một cách phi chính thức rằng công việc kiểm soát vẫn sẽ được tiến hành.
Nhiều nhà phân tích cho rằng rất khó dự đoán tương lai của phương thức hợp tác đặc biệt này, nếu như Mỹ và đồng minh tiếp tục gia tăng sức ép và trừng phạt lên Nga.
Sau sự kiện Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008, quan hệ hai nước rạn nứt, nhưng nhanh chóng được khôi phục, bởi Tổng thống Obama coi đây là trọng tâm ngoại giao trong những ngày đầu làm chủ Nhà Trắng.
Tuy nhiên, ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra, quan hệ Nga - Mỹ đã bắt đầu rạn nứt, đặc biệt sau khi ông Putin quay trở lại vị trí tổng thống vào năm 2012.
Bất chấp áp lực ngoại giao của Washington, Moscow từng từ chối dẫn độ và cấp phép tị nạn chính trị cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden. Trong vấn đề Syria, Nga cũng ba lần bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết do Mỹ đi đầu, có nội dung cho phép Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Nhà bình luận Steve Rosenberg của BBC cho rằng sự đối đầu trên bắt nguồn từ sự thiếu lòng tin vào phương Tây của Tổng thống Putin. Ông cũng nhiều lần công khai thái độ cảnh giác của mình.
Cùng chung nhận định trên, bình luận viên Neil Buckley của Financial Times cho biết: "Nguy cơ lần này có lẽ nằm ngoài dự tính của phương Tây, nhưng đối với Putin thì đây là thời điểm bùng phát cho mọi sự bất mãn trong suốt 14 năm cầm quyền".
Trong bài phát biểu hôm 18/3, Tổng thống Putin lên án các nước phương Tây là "đạo đức giả" khi công nhận độc lập cho Kosovo sau khi tách khỏi Serbia, nhưng nay lại bác bỏ quyền tương tự của người dân Crimea. Ông lên án các nước phương Tây "đã vượt quá giới hạn" trong vấn đề Ukraine và hành xử "vô trách nhiệm".
"Hôm nay nhất định phải kết thúc sự hỗn loạn này, để bác bỏ luận điệu của thời Chiến tranh Lạnh, để chấp nhận một sự thật hiển nhiên rằng: Nga là một quốc gia độc lập, tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế. Cũng giống các nước khác, Nga có lợi ích quốc gia riêng cần được xem xét và tôn trọng", Tổng thống Putin tuyên bố
Quan hệ Nga - Mỹ hiện nay có thể không rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, nhưng chắc chắn không phải là hình thái quan hệ mới mà Washington hay các nước phương Tây khác từng mong muốn vào năm 1989.
"Hôm nay tôi rất buồn. Hy vọng duy nhất của tôi đó là giai đoạn đen tối này sẽ không kéo dài như Chiến tranh Lạnh", cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul viết trên tài khoản Facebook cá nhân vài ngày trước.
Đức Dương (tổng hợp)