Trong buổi trả lời phỏng vấn hôm qua với đài truyền hình KNSD, ông Obama cho biết "Nga đã vi phạm chủ quyền của một quốc gia với hành động tiến vào khu vực Crimea của Ukraine", nhưng khẳng định Mỹ "sẽ không có bất kỳ hành động quân sự nào tại Ukraine".
"Ngay cả người Ukraine cũng sẽ thừa nhận với chúng ta rằng việc can thiệp quân sự để đối đầu với Nga không phải là điều phù hợp và cũng không có lợi cho Ukraine", Tổng thống Obama nói. "Việc chúng tôi đang làm là vận dụng tất cả nguồn lực ngoại giao để đảm bảo chúng ta có một liên minh quốc tế hùng mạnh, gửi đi một thông điệp rõ ràng".
Trong một cuộc họp cùng ngày của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Samantha Power cảnh báo rằng Washington đã sẵn sàng cho một đợt trừng phạt mới trước việc Nga có hành vi "xâm lược" và "khiêu khích" tại Ukraine.
"Những gì đang xảy ra tại Crimea không thể tái diễn trên các khu vực khác của Ukraine", AFP dẫn lời bà Power nói.
Đáp trả lại những phát ngôn trên, Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết không thể chấp nhận được khi nghe những lời xúc phạm nước Nga. "Nếu đoàn đại biểu Mỹ muốn nhận được sự hợp tác của chúng tôi trong các vấn đề khác của Hội đồng Bảo an, thì bà Power phải hiểu rõ điều này", ông Churkin tuyên bố.
Đại sứ Pháp Gerard Araud ủng hộ lập trường của Mỹ, cho rằng "chiếm giữ lãnh thổ bằng vũ lực hoặc thậm chí chỉ là đe dọa cũng sẽ không được công nhận". Ông cũng kêu gọi Nga chấm dứt các cuộc diễn tập và mở kênh đối thoại trực tiếp với Kiev.
Ông Churkin không đáp trả lời kêu gọi trên, mà chỉ tái khẳng định cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea thể hiện ý nguyện của người dân và điều đó cần được tôn trọng. Hội đồng Bảo an không thông qua được thỏa thuận về Ukraine, bởi Nga sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực.
Hôm qua, Tòa án Hiến pháp Nga ra phán quyết khẳng định hiệp ước tiếp nhận Crimea vào Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể phù hợp với Hiến pháp. Hiệp ước này được Tổng thống Vladimir Putin ký kết với lãnh đạo Crimea một ngày trước đó.
Đức Dương