Các chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp phô diễn sức mạnh trong khu vực tranh chấp phía đông Đại Trung Hải hôm 25/8, khi cuộc đua giành quyền kiểm soát các mỏ dầu khí ngoài khơi đốt nóng các bất đồng cũ quanh chủ quyền biển đảo.
Giới chuyên gia nhận định Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đều đang theo đuổi "chính sách ngoại giao pháo hạm" để kéo thêm nhiều quốc gia khác vào cuộc tranh chấp. Trong khi đó, thành viên NATO khác là Đức đang tìm cách giảm căng thẳng giữa hai đồng minh, vốn có nguy cơ thổi bùng lửa xung đột trong khu vực.
"Những cánh cửa đối thoại giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ giờ phải được mở rộng hơn và không được phép đóng lại. Ngoài ra, chúng ta cần các bước để hạ nhiệt căng thẳng và bắt đầu các cuộc thảo luận trực tiếp thay vì những hành động khiêu khích mới", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đăng trên Twitter trước chuyến thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/8 để tìm cách đưa hai nước trở lại bàn đàm phán.
Căng thẳng bùng lên khi Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hệ thống thông tin an toàn hàng hải toàn cầu NAVTEX thông báo kéo dài thời gian thăm dò địa chấn ở vùng biển tranh chấp với Hy Lạp, từng dự kiến kết thúc ngày 24/8. Đợt khảo sát này do tàu địa chấn Oruc Reis thực hiện, dưới sự hộ tống của đông đảo chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo về các cuộc diễn tập hàng hải trong khu vực. "Các tàu hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh sẽ huấn luyện hàng hải ở phía đông Địa Trung Hải ngày 25/8 để thúc đẩy hợp tác và khả năng tương tác", bộ này đăng trên Twitter hôm qua.
Theo nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng dầu mỏ ở khu vực lòng chảo Levant phía đông Địa Trung Hải có thể lên đến 1,7 tỷ thùng. Trữ lượng khí đốt có thể khai thác tại khu vực này là gần 2 tỷ mét khối.
Hy Lạp coi hoạt động thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp. Athens phản ứng bằng cách gửi thông điệp phản đối thông qua hệ thống NAVTEX, đồng thời thông báo tổ chức tập trận hải quân ở khu vực ngoài khơi đảo Kastellorizo, vùng lãnh thổ của Hy Lạp chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hơn 1,6 km.
"Hy Lạp đang phản ứng một cách bình tĩnh và sẵn sàng trên cả phương diễn ngoại giao lẫn hành động. Với tiềm lực quốc gia của mình, Hy Lạp sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ chủ quyền", phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas nói ngày 24/8.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói phản ứng của Hy Lạp là "có hại" và "gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải" với tàu thuyền qua lại trong khu vực. "Hy Lạp sẽ là nước duy nhất chịu trách nhiệm về bất cứ diễn biến tiêu cực nào trong khu vực", Erdogan tuyên bố ngày 24/8.
Nỗ lực của Đức nhằm đưa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới một thỏa thuận thất bại hồi tháng 7. Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng các cuộc khảo sát địa chấn với mỏ khí đốt trong khu vực tranh chấp khi đàm phán với Hy Lạp. Tuy nhiên, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau đó thông báo các cuộc đàm phán thất bại vì Hy Lạp ký một phần thỏa thuận phân định ranh giới trên biển với Ai Cập.
Thổ Nhĩ Kỳ từ đó triển khai các đợt khảo sát trong vùng biển tranh chấp. "Các tàu khoan của chúng tôi tiếp tục hoạt động theo kế hoạch. Hy Lạp liên kết với vài nước để tỏ ra là mình đúng đắn, bởi quốc gia này thiếu độ tin cậy", Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez nói.
Donmez dường như đề cập đến sự hỗ trợ Hy Lạp nhận được từ Pháp, một thành viên Liên minh châu Âu (EU), và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Để thể hiện tình đoàn kết với Hy Lạp, Pháp thông báo sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở đông Địa Trung Hải để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu khí tại đây. Pháp còn cho biết sẽ điều tiêm kích và chiến hạm tới đảo Crete của Hy Lạp vào giữa tháng 8.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và đảo Cyprus đang bị chia cắt diễn ra trong nhiều năm. "Các mỏ khí đốt tự nhiên ở vùng biển đông Địa Trung Hải thay đổi mọi thứ tại khu vực trong suốt 5 năm qua", Michael Tanchum, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và châu Âu tại Áo, cho biết.
"Điều này biến khu vực thành chiến trường quan trọng, nơi các đường đứt gãy địa chính trị lớn hơn liên quan đến EU, Trung Đông và Bắc Phi hội tụ", Tanchum nói.
Khu vực tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ còn liên quan đến các yêu sách lãnh thổ từ Cyprus. Hòn đảo bị chia cắt thành hai phần, với phần phía nam thuộc Cộng hòa Cyprus, thành viên EU và được quốc tế công nhận, còn vùng phía bắc thuộc quyền quản lý của Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ được Ankara công nhận.
Cộng hòa Cyprus đã cấp cho các công ty quốc tế như ENI của Italy và Total của Pháp giấy phép khai thác khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố điều này khiến Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ mất khả năng tiếp cận các nguồn dầu khí trong khu vực.
"Pháp và UEA cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ để giành ảnh hưởng ở Trung Đông và châu Phi. Đông Địa Trung Hải là nơi Pháp và UAE có thể gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Ankara coi là quan trọng với lợi ích quốc gia của mình. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ bực tức và họ đáp trả bằng cách tăng cường các hành vi leo thang căng thẳng", Tanchum nói.
Tanchum cảnh báo các cuộc đối đầu này tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Một chiến hạm Hy Lạp đã va chạm và gây ra thiệt hại cho một tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ", Tanchum đề cập đến vụ hộ vệ hạm Kemal Reis bị thủng một lỗ lớn sau vụ chạm mặt hôm 13/8. "Nguy cơ tính toán sai lầm hoặc các tai nạn tiếp theo dẫn đến một cuộc đụng độ quy mô lớn không ai muốn đang cao tới mức nguy hiểm".
Nguyễn Tiến (Theo CNN)