Ở Gwalior, thành phố đông dân thuộc miền trung Ấn Độ, có một pháo đài cổ được xây từ thế kỷ thứ 8. Bên trong pháo đài là ngôi đền Chaturbhuj có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử thế giới. Đó là nơi khai sinh ra số 0. Dòng khắc "207" trên tường có từ thế kỷ 9 được xem là một trong những dấu hiệu lâu đời nhất về việc xuất hiện của số 0.
Việc phát minh ra số 0 được xem là một bước tiến quan trọng trong toán học. Sau này, nó còn là nền tảng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như vật lý, kỹ thuật và nhiều công nghệ hiện đại.
Vậy điều gì trong văn hóa Ấn Độ đã dẫn đến sáng tạo vĩ đại này?
"Không" không đến từ hư không
Trong chương trình trò chuyện của TED, nhà thần thoại học nổi tiếng Devdutt Pattanai đã kể về chuyến thăm của Alexander Đại đế đến Ấn Độ. Tại đây, ông gặp một nhà hiền triết ngồi trên tảng đá và nhìn chằm chằm lên bầu trời.
Alexander hỏi: "Ông đang làm gì vậy?".
Nhà hiền triết đáp: “Tôi đang trải nghiệm sự hư vô. Vậy anh đang làm gì vậy?”.
“Tôi đang chinh phục thế giới", Alexander nói.
Cả hai đều cười lớn, người này nghĩ người kia là kẻ ngốc và đang lãng phí cuộc sống của họ.
Câu chuyện đã diễn ra rất lâu trước khi số 0 đầu tiên được khắc lên ngôi đền Gwalior nhưng nó cho thấy tầm quan trọng của sự hư không trong việc phát minh ra con số này.
Trong lịch sử, người Ấn Độ rất cởi mở với khái niệm về hư vô. Các hệ thống như yoga đã được phát triển để khuyến khích thiền định để tâm trí trống rỗng. Phật giáo và Ấn Độ giáo cũng lấy khái niệm hư vô như một phần trong giáo lý của họ.
Các nhà toán học Ấn Độ cũng bị ám ảnh bởi những con số khổng lồ. Họ có thể đếm đến đơn vị hàng tỷ tỷ trong khi người Hy Lạp cổ đại chỉ dừng lại ở khoảng 10.000. Người Ấn Độ thậm chí còn có những phân loại "vô hạn" khác nhau.
Những số 0 đầu tiên của văn minh nhân loại
Hai nhà thiên văn học và toán học Hindu là Aryabhata (sinh năm 476) và Brahmagupta (sinh năm 598) được cho là những người đầu tiên mô tả hệ thống giá trị thập phân hiện đại và các quy tắc về việc sử dụng số 0.
Mặc dù nhiều người tin rằng Gwalior là địa điểm đầu tiên viết số 0 như một vòng tròn, thì các nhà khoa học đã tìm thấy một bức cổ thư Ấn Độ. Bản thảo Bhakshali viết những ký hiệu dấu chấm có từ thế kỷ 3 hoặc 4. Đây được coi là số 0 bằng chữ viết xuất hiện sớm nhất.
Theo Marcus du Sautoy, Giáo sư toán học tại Đại học Oxford, phát minh ra số 0 là một trong những đột phá lớn nhất trong lịch sử toán học. "Từ thế kỷ thứ 3, các nhà toán học Ấn Độ đã gieo hạt giống cho một ý tưởng mà sau này trở thành nền tảng vô cùng cơ bản cho thế giới hiện đại. Những phát hiện này cho thấy sự phát triển sôi động của toán học tại tiểu lục địa Ấn Độ trong nhiều thế kỷ", Giáo sư Sautoy chia sẻ.
Số 0 - biểu tượng của quỷ Satan
Mặc dù là phát minh mang tính bước ngoặt nhưng tại sao ở thời kỳ đầu, con số này không mấy phát triển ở những nơi khác?
Một giả thuyết cho rằng một số nền văn hóa có quan điểm tiêu cực về khái niệm hư vô. Ví dụ, có một giai đoạn ở châu Âu, số 0 bị cấm sử dụng vì người ta cho rằng khi Thiên Chúa hiện hữu ở trong mọi chuyện thì một biểu tượng đại diện cho hư vô sẽ thuộc về tà ác.
Ngày nay, số 0 trong hệ số nhị phân của máy tính được xem là một phần không thể thiếu trong xã hội hiện đại.
Thung lũng Silicon phong cách Ấn Độ
Cách trung tâm Bengaluru của Ấn Độ khoảng 37 km, du khách sẽ được chào đón bằng nhiều biển báo lớn ghi tên: Intel, Google, Apple, Oracle, Microsoft, Adobe, Samsung và Amazon - các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Nơi đây được biết đến như "Thung lũng Silicon của Ấn Độ".
Từ một khu công nghiệp duy nhất là Electronic City vào những năm 1970, Bengaluru đã mở rộng và trở thành hiện tượng trong ngành công nghiệp điện tử.
Thành phố hiện có rất nhiều công viên công nghệ thông tin (CNTT), chiếm tỉ trọng gần 40% ngành công nghiệp CNTT của Ấn Độ. Bengaluru thậm chí được dự báo có thể sẽ vượt qua Thung lũng Silicon của Mỹ để trở thành trung tâm CNTT lớn nhất thế giới vào năm 2020 với hai triệu chuyên gia, sáu triệu việc làm gián tiếp và 80 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong ngành này.
Những điều đó đều bắt nguồn từ sự xuất hiện của số nhị phân. Những máy tính kỹ thuật số hiện đại hoạt động theo nguyên tắc hai trạng thái là bật và tắt (‘on’ và ‘off’). Trạng thái ‘bật’ được gán giá trị ‘1’, trong khi trạng thái ‘tắt’ được gán giá trị ‘0’.
Từ năm 1991 đến 2001, dân số Bengaluru đã tăng trưởng 38%, và nay là thành phố đông dân thứ 18 trên thế giới với 12 triệu người. Thật khó để thống kê số lượng chip máy tính hay chương trình phần mềm đến từ Bengaluru. Và tất cả những điều này đều bắt đầu từ "hư không".
Trường Đặng