Tại thành phố Thanjavur, bang Tamil Nadu, nằm phía nam Ấn Độ, các khu chợ trời bán tràn ngập một loại đồ chơi lạ mắt có tên gọi Thanjavur Thalaiyatti Bommai (theo tiếng Tamil).
Đây là loại búp bê đầu to và có khả năng lắc lư đầu. Chúng được sơn màu sắc rực rỡ, thường có hình dáng của một diễn viên múa hay một cặp vợ chồng già. Điều khác lạ của món đồ lưu niệm này là từ phần cổ trở lên, đầu của búp bê có thể cử động, theo BBC.
Món đồ chơi này đang mô phỏng lại một thói quen phổ biến của người dân Ấn Độ: lắc lư đầu khi nói chuyện với người khác.
Theo Priya Pathiyan, nhà văn sống ở Mumbai kiêm hướng dẫn viên du lịch, hành động này sẽ được người dân lặp đi lặp lại, không giới hạn số lần. Theo đó, họ sẽ nghiêng sang trái, sang phải ít nhất là 8 lần mới ngừng.
Người Ấn Độ chuyển động đầu để thể hiện những điều không muốn nói ra thành lời. Ý nghĩa phổ biến nhất là truyền đạt lời khẳng định. Ví dụ, nếu bạn đưa ra câu hỏi, họ lắc lư đầu đồng nghĩa với câu trả lời là "Có" hoặc "Đúng".
Ngoài ra, đầu rung lắc cũng thể hiện lời cảm ơn, điều mà người Ấn Độ hiếm khi sử dụng. Khi gặp người quen trên đường, họ làm cử chỉ này để thể hiện đã nhận ra bạn vì không thể hét to lên. Nếu một người Ấn Độ ngồi cạnh bạn trên tàu và bất ngờ lắc lư đầu với bạn, họ muốn thể hiện sự thân thiện với bạn.
Nếu người dân địa phương lắc đầu nhanh và liên tục khi nói chuyện, họ muốn nói cho bạn biết họ hiểu những gì bạn nói. Nếu động tác chậm, kèm theo một nụ cười, họ thể hiện sự tôn trọng bạn.
Tùy từng khu vực Ấn Độ mà, hành động này có sự khác biệt. Những người sống ở phía nam thường sử dụng cử chỉ này nhiều hơn phía bắc.
Margot Bigg, nhà văn người Anh, từng sống ở Ấn Độ 5 năm, cho biết, nếu người dân Ấn Độ chuyển động đầu về một bên, có nghĩa là họ đồng ý hay ra hiệu: chúng ta đi thôi. Nếu lắc đầu sang cả hai bên, họ đang thể hiện rằng họ hiểu điều bạn nói, hoặc đồng cảm với bạn.
Ngoài ra, rất khó để nói chính xác người đối diện với bạn gật đầu là đồng ý hay từ chối. Vì cái gật, lắc đó còn phải dựa vào từng hoàn cảnh và phụ thuộc vào một số yếu tố như sự thân thiết giữa hai người.
Theo BBC, việc người dân Ấn Độ thích nói "Có" là "Không" bắt nguồn từ việc thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, đặc biệt với khách và người lớn tuổi. Họ không muốn thể hiện sự từ chối trực tiếp. Họ tin rằng sẽ có một lúc nào đó bản thân mình cũng cần sự giúp đỡ. Việc họ gật đầu sẽ là sự truyền đạt một cách mơ hồ về thái độ của họ.