Ấn Độ, nguồn cung vaccine lớn nhất thế giới, mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 43,3 triệu người, chưa đến 4% trong tổng 1,4 tỷ dân.
Tháng 4, giữa làn sóng lây nhiễm mới, 100.000 người đã chết, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 của nước này lên 300.000, cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Tính đến tháng 3, Ấn Độ đã gửi 66 triệu liều vaccine AstraZeneca đến các nước khác. Theo số liệu của chính phủ, 19,8 triệu liều dành cho chương trình tiêm chủng công bằng Covax. 10,7 triệu liều được cung cấp tới 48 quốc gia theo diện tài trợ. Viện Huyết thanh Ấn Độ bán 35,7 triệu liều còn lại theo hợp đồng thương mại.
Đến nay, hoạt động xuất khẩu bị đình chỉ. Chương trình tiêm chủng cũng chậm tiến độ. Số liều vaccine tiêm hàng tuần đã giảm từ mức đỉnh là gần 25 triệu vào tháng 4 xuống còn 9 triệu trong tháng này do thiếu nguồn cung.
Hiện Ấn Độ sử dụng vaccine từ AstraZeneca và vaccine nội địa Covaxin của công ty dược phẩm Bharat Biotech. Cơ quan quản lý dự kiến phê duyệt thêm Sputnik V trong tháng 5.
Nếu muốn tiêm chủng bao phủ toàn bộ dân số trưởng thành trong 12 tháng, Ấn Độ cần sản xuất ít nhất 4,5 triệu liều mỗi ngày. Hiện nước này chỉ cung cấp đủ 2,3 đến 2,4 triệu liều mỗi ngày.
"Rõ ràng, chúng ta cần tăng gấp đôi sản lượng hoặc nhập khẩu đáng kể", R. Ramakumar, giáo sư tại trường nghiên cứu phát triển thuộc Viện Khoa học Xã hội Tata, nhận định.
Chính phủ đã đi tắt trong một số quy trình, ứng trước ngân sách cho các nhà sản xuất, song cung không theo kịp cầu.
Hiện Viện Huyết thanh là nhà sản xuất vaccine chính. Cơ sở hứa cung cấp 1,1 tỷ liều AstraZeneca cho Covax. Sản lượng hiện tại của Viện là 65 triệu liều một tháng, tương đương 2 triệu liều mỗi ngày. Với áp lực từ chính phủ, Viện phải ưu tiên thị trường nội địa. Chưa rõ đến khi nào lượng vaccine như cam kết mới được chuyển đến Covax, dù giám đốc điều hành Adar Poonawalla cho biết sẽ nối lại xuất khẩu trong năm nay.
Bharat Biotech, nhà sản xuất lớn thứ hai, đã phát triển vaccine nội địa Covaxin. Tính đến tháng 4, hãng cung cấp 20 triệu liều trong nước. Tuần trước, công ty tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất 1 tỷ liều Covaxin một năm.
Với hai cơ sở mũi nhọn, chính phủ cam kết cung cấp 2,67 tỷ liều vaccine trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Các yếu tố như khó khăn tài chính, trở ngại chuỗi cung ứng, làn sóng lây nhiễm thứ hai và tình trạng phong tỏa đã tạo nên cuộc khủng hoảng.
"Rào cản lớn nhất trong việc đẩy mạnh nguồn cung là các cơ sở được cấp phép không bắt kịp nhu cầu. Chính phủ đáng lẽ nên phê duyệt nhiều nhà sản xuất từ sớm hơn", Ramakumar nói. "Một số cơ sở đang cố gắng nâng cao công suất, nhưng điều này mất ít nhất 6 đến 8 tháng".
Dù toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm được xếp vào nhóm thiết yếu, nó vẫn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng phong tỏa, hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Ngoài khoản tiền đặt trước để mua vaccine, chính phủ không đưa ra bất cứ khoản hỗ trợ tài chính quy mô lớn nào đối với các nhà sản xuất.
"Nhà nước không viện trợ cho quá trình nghiên cứu, phát triển Covaxin hay vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, đã hỗ trợ tài chính để tiến hành thử nghiệm lâm sàng", chính phủ Ấn Độ cho biết trong bản tuyên thệ đệ trình lên Tòa án Tối cao trong tháng 5.
Viện Huyết thanh và Bharat Biotech nhận lần lượt 400 triệu USD và 210 triệu USD từ kho bạc nhà nước trong tháng 4 để nâng cao sản lượng.
Chuỗi cung ứng của Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều bởi Đạo luật Sản xuất Quốc phòng của Mỹ. Nước này từ chối cung cấp nguyên liệu thô cho Ấn Độ, tạo sự gián đoạn trong quá trình sản xuất.
Nguồn nguyên liệu thô để bào chế vaccine chủ yếu đến từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Hơn 360 thành phần, từ axeton, axit clohydric đến các lọ vô trùng đông lạnh cũng cần nhập từ nước ngoài.
Triển vọng đẩy mạnh sản xuất vaccine của Ấn Độ phụ thuộc vào việc liệu nút thắt trong chuỗi cung ứng có được giải quyết hay không. Đây là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar. Hiện ông đang có chuyến thăm 5 ngày đến Mỹ. Trong chương trình nghị sự, Ấn Độ nỗ lực đàm phán để nhận một phần trong số 80 triệu liều vaccine Mỹ cam kết chia sẻ cho các nước khác.
Phương pháp thứ hai của Ấn Độ là huy động nhà sản xuất tăng lượng vaccine nội địa. New Delhi vừa ký hợp đồng với Bharat Immunologicals và Biologicals Corporation Limited (Bibcol) để cung cấp 10 triệu liều Covaxin mỗi tháng. Hai cơ sở có vốn nhà nước khác cũng được xem xét tham gia đáp ứng nhu cầu vaccine ngày càng tăng.
Thục Linh (Theo SCMP)