"Chúng tôi sẽ không xuất khẩu vaccine nếu chưa đủ nguồn cung cho người dân mình. Viện vẫn cam kết làm mọi điều có thể để hỗ trợ hoạt động tiêm chủng trong nước", SII tuyên bố.
Trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến, Ấn Độ cung ứng hơn 66 triệu liều cho nhiều nước thu nhập thấp và trung bình. Hoạt động xuất khẩu dừng lại kể từ tháng 3, khiến các quốc gia như Bangladesh, Nepal, Sri Lanka chật vật tìm nguồn cung thay thế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/5 kêu gọi các nhà sản xuất ngoài Ấn Độ bổ sung nguồn cung cho Covax.
Nguồn tin giấu tên của chính phủ cho biết Ấn Độ hiện ưu tiên tiêm chủng trong nước vì số ca nhiễm đã vượt quá 25 triệu, số người tử vong hàng ngày cao kỷ lục.
Trước đó, SII dự kiến nối lại xuất khẩu vaccine kể từ tháng 6. Khi được hỏi về mốc thời gian tháng 10, Liên minh vaccine GAVI, đồng lãnh đạo Covax, cho biết ít nhất 140 triệu liều vaccine đáng lẽ phải giao trong tháng 5 hiện vẫn ở Ấn Độ.
"Đối mặt với làn sóng dịch bệnh đáng sợ, 140 triệu liều vaccine ban đầu dành cho Covax được Ấn Độ ưu tiên tiêm cho công dân trước", người phát ngôn của GAVI cho hay. "Chúng tôi đề nghị chính phủ Ấn Độ hỗ trợ hết mình trong nỗ lực kiểm soát virus bằng mọi cách có thể".
Covax đặt mục tiêu cung cấp 1,1 tỷ liều vaccine AstraZeneca hoặc Novavax đến các quốc gia đang phát triển. Người đứng đầu UNICEF hôm 18/5 đã yêu cầu nhóm nước G7 tài trợ nguồn cung cho sáng kiến như một biện pháp khẩn cấp. Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ xuất khẩu ít nhất 20 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, bên cạnh 60 triệu liều AstraZeneca theo kế hoạch trước đó. Tuy nhiên con số này được các chuyên gia đánh giá chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu toàn cầu.
Thục Linh (Theo Reuters)