Là người vô tính nhưng Ánh từng trải qua hai mối tình. Mối tình đầu kéo dài gần bốn năm đại học trong cảnh yêu xa. Con tim Ánh rung động khi ở bên bạn trai, cô khao khát những cái ôm hôn nhẹ nhàng. Nhưng chỉ thế, không hơn.
"Khi anh ấy muốn đụng chạm sâu hơn, tôi khựng lại, đẩy mạnh ra", cô kể và cho biết "chỉ cảm thấy ghê". Sau này yêu một người khác, Ánh vẫn có phản ứng tương tự.
Cả người yêu và các bạn đều khuyên Ánh nên đi khám. "Người yêu mình còn ra điều kiện: Nếu em không đi khám, chúng ta nên xem xét lại mối quan hệ'. Nhưng mình cảm thấy bản thân là người bình thường, chẳng qua ghét tình dục mà thôi", cô chia sẻ.
Khi du học 6 năm trước, Ánh từng ngỡ mình đã tìm được nửa kia. Niềm vui nhân đôi khi cô biết, anh cũng không thích "khoản đó". "Nhưng hóa ra anh ấy không làm được, trong khi tôi hoàn toàn ngược lại", Ánh kể. Từ đó đến nay, họ duy trì một tình bạn.
Trong nghiên cứu "Thực trạng xây dựng mối quan hệ lãng mạn của người vô tính tại Việt Nam" năm 2020 của nhóm Asexual in Vietnam, người vô tính vẫn mong có mối quan hệ lãng mạn mà đối tác ngoài có tình cảm cần phải có sự tôn trọng, thấu hiểu xu hướng tính dục của nhau.
Đa số đều tin rằng kết hôn với người cùng phổ vô tính thì cuộc sống hôn nhân sẽ dễ hạnh phúc, bền vững. Ngược lại kết hôn với người hữu tính, người kia khó thay đổi. Bản thân người vô tính cũng cảm thấy tội lỗi khi thấy đối tác phải hy sinh, nhẫn nhịn để giữ hôn nhân.
"Dù vậy, người vô tính thấy khó khăn trong việc tìm hiểu hay kết hôn với người có cùng xu hướng tính dục với mình, bởi lẽ cộng đồng phổ vô tính ở Việt Nam còn ít lộ diện", Cát Hạt Tuấn, một trong những quản trị viên của Asexual in Vietnam, nhóm có 21.000 thành viên chia sẻ.
Từ tháng 3, nhóm mở chuyên mục "Tim sắc" nhằm gắn kết cộng đồng vô tính và se duyên. Rất nhiều người hạnh phúc vì tìm được cộng đồng cho mình nhưng để tìm được một người bạn đời vô tính thì rất khó. "Đến nay có một số thành viên yêu nhau, còn kết hôn thì chưa ghi nhận", Tuấn cho biết.
Cho rằng tình cảm là do nhân duyên, nhưng bản thân cũng phải chủ động, Hà Ánh tham gia vào cộng đồng người vô tính từ 7 năm trước và từng gặp ngoài đời một số người. Cô cũng từng gửi mong muốn tìm bạn đời lên mục Hẹn hò, của báo VnExpress để tìm người "yêu trong sáng, không cần đến tình dục". Thậm chí Ánh không giới hạn tuổi tác, nhỏ hơn 5-10 tuổi cũng chấp nhận. Đợt đó có vài người nhắn tin làm quen, song cô vẫn không tìm được ai. "Giờ mình không mơ mộng nữa, xác định một mình rồi", Ánh nói.
Đăng Khoa, một kỹ sư IT 29 tuổi ở Hà Nội với vẻ ngoài bảnh bao, từng trải qua hai mối tình, cũng mới chỉ dừng lại ở ôm hôn. Thậm chí có những lần bạn gái chủ động chuyện ấy, nhưng anh cự tuyệt.
Cũng như nhiều người trong cộng đồng, Khoa ước muốn có một gia đình vợ chồng nương tựa nhau, cùng chăm sóc những đứa con được thụ tinh ống nghiệm. Chàng trai chủ động tham gia vào các group của cộng đồng vô tính, đồng thời công khai mình trên một số app hẹn hò để tìm người cùng "tần số". "Tôi biết là rất khó tìm một bạn gái mình thích, cũng vô tính như mình, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc", Khoa nói.
Đối với người vô tính, áp lực tình dục là vấn đề khó khăn nhất khi yêu đương vì họ không có hoặc ít hấp dẫn tình dục. Tư tưởng "tình yêu đi đôi với tình dục" hay "tình dục là nhu cầu ai cũng phải có" vô hình gây ra những rào cản để người vô tính có thể tiến tới và duy trì mối quan hệ lãng mạn bền vững.
Vì sức ép gia đình, một số người buộc phải kết hôn và họ đã gặp bi kịch. Chị Mai, 35 tuổi ở Quảng Ninh lấy phải người chồng có nhu cầu cao. "Anh ấy không quan tâm cảm xúc của tôi. Nhiều lúc anh ấy vòi vĩnh, ép buộc dù tôi không muốn", Mai chia sẻ.
Cuộc hôn nhân kéo dài được ba năm đã tan vỡ khi Mai 26 tuổi. Vì ghét chuyện giường chiếu, Mai xác định sẽ ở vậy nuôi con. Đàn ông sẽ không có trong thế giới của chị và tình dục - một nhu cầu quan trọng của đa số mọi người - càng không được phép xuất hiện lần nữa.
Song hai năm trước, một lần nữa chị rung động trước sự chân thành một người đàn ông cũng từng đổ vỡ hôn nhân. Hai người là đối tác làm ăn. Khi anh thổ lộ, Mai cũng nói rõ mình là người không muốn sex. "Thật bất ngờ khi anh nói muốn được gắn bó với tôi, nương tựa tuổi già, yêu tôi vì con người chứ không vì chuyện ấy", chị kể.
Hiện chị Mai có tổ ấm hạnh phúc và sắp đón thêm thành viên mới. Chị tiết lộ, vì để có con nên đồng ý sinh hoạt vợ chồng. Chị cảm thấy may mắn khi chồng hoàn toàn hiểu và tôn trọng mình.
Cũng vì sức ép gia đình, bố mẹ của Bích Thủy ở quận Bình Thạnh, TP HCM đã phải kết hôn 25 năm trước. Nhưng hóa ra cuộc hôn nhân lại trọn vẹn với cả hai, bởi họ đều là người vô tính.
Cô gái 24 tuổi chia sẻ: "Bố mẹ tôi không bao giờ khóa cửa phòng ngủ. Tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy bao cao su trong nhà hay một lần nào đó bố mẹ nhìn nhau âu yếm".
Bố Thủy kể với các con ông không có hình mẫu phụ nữ nào, cũng chưa từng thích ai. Vào năm 39 tuổi, bà nội ép buộc ông phải lấy mẹ Thủy, khi đó 29 tuổi. Còn mẹ Thủy tâm sự rất ghét chuyện tình dục, nhưng buộc phải ngủ với nhau trong hai lần sinh ra Thủy và em gái. "Bố mẹ mình kể họ chưa bao giờ hôn nhau", Thủy nói thêm.
Dù không có "chuyện ấy", cuộc hôn nhân của bố mẹ Thủy hạnh phúc giống như hai người bạn thân. Họ nhổ tóc bạc cho nhau, cùng nấu cơm, cùng dọn nhà và dạy dỗ các con. Chị em Thủy được lớn lên trong tình yêu của bố mẹ và sự êm đềm của một gia đình công chức.
Bích Thủy cũng là một người vô tính vô ái, tức không hấp dẫn tình dục và không hấp dẫn tình cảm lãng mạn với giới nào. Dù thế, cô vẫn mong tìm được một nửa cho mình, là một người vô tính nữ hơn là một người vô tính nam.
"Đó sẽ là gia đình của hai người bạn thân, sống vui vẻ và nương tựa nhau giống như mô hình gia đình đang có ở một số quốc gia phương Tây", cô gái chia sẻ.
Phan Dương
* Tên một số nhân vật đã thay đổi