Những người vô tính hạnh phúc với cuộc sống không tình dục. Ảnh minh họa: Clipart. |
Mai, 26 tuổi, sinh ra tại Hà Nội, còn Tùng hơn cô 4 tuổi, ở Nghệ An, là mối tình đầu và cũng là duy nhất của nhau. Lúc nào cô cũng tự hào với bạn bè vì anh là người đẹp trai, giỏi giang, lại biết chiều chuộng. Trong suốt 2 năm yêu nhau, cô luôn mong chờ đến đêm tân hôn để được trao thân cho người mình yêu. Thế nhưng, những gì cô nhận được chỉ là sự hờ hững, lạnh lùng của chồng.
Tỉnh dậy sau tân hôn, thấy chồng nằm ôm mình ngủ bên cạnh, nhìn khuôn mặt đáng yêu, ngây thơ như đứa trẻ của anh, Mai lại quên hết bao nhiêu hờn giận, buồn khổ đêm trước. Cô cứ tự lừa dối mình với đủ lý do, có thể là lần đầu nên chồng ngại, đang bị stress trong công việc hay mắc một căn bệnh gì đó khó nói...
Nhưng sau một năm cưới nhau, cô đã đến gặp chuyên gia tâm lý mà khóc nức nở vì đời sống vợ chồng quá nhạt nhẽo. Mỗi đêm nằm ngủ, anh ôm ấp, hôn cô nhưng lại không bao giờ ái ân thực sự. Nếu có thì cũng chỉ làm hời hợt cho xong, chưa lần nào anh khiến cô thỏa mãn. Lúc đầu, cô còn tưởng anh bị gay hoặc có tình nhân nên mới thế.
"Gặng hỏi mãi anh mới tâm sự không hề có chuyện lừa dối tôi đi quan hệ lăng nhăng bên ngoài, mà chỉ đơn giản anh ấy không thích sex, không muốn làm 'chuyện ấy' dù là với bất kỳ ai. Tôi không hiểu anh ấy cưới mình để làm gì, chả nhẽ chỉ để có một người bạn", Mai buồn bã tâm sự.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết, đã có nhiều người đến đây hỏi xem có thuốc gì để họ có ham muốn tình dục hay không, vì họ không hề cảm thấy gì khi quan hệ. Có người chồng dẫn cô vợ rất xinh xắn, cao ráo đến phòng khám rồi bảo "Đấy, bác sĩ muốn làm gì thì làm, cho thuốc hay mổ xẻ gì cũng được miễn là làm cho vợ em khao khát chuyện ấy. Ai đời, quan hệ mà vợ cứ nằm yên cho chồng muốn làm gì thì làm thì ai mà còn cảm hứng nữa".
"Những lúc đấy là bác sĩ cũng chả biết nói sao, khám thăm, hỏi han nhưng không thấy có gì bất thường về cơ quan sinh sản ở cô gái, cũng không có ký ức gây sợ hãi chuyện kia. Bản thân cô cũng thấy mình là người khác thường, vì chưa bao giờ cô có ham muốn gần gũi với một ai đó về mặt thể xác, thậm chí còn thấy ghê sợ", bác sĩ Dung nói.
Theo bác sĩ, với đời sống vợ chồng, sự hòa hợp trong chuyện chăn gối cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, vẫn có những người hài lòng với cuộc sống vợ chồng không có tình dục. Trên thế giới những người không có hấp dẫn tình dục, không có ham muốn tình dục như hai trường hợp trên được gọi là người vô tính, thế giới thứ 4. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều người.
Thực tế, có nhiều người vô tính đang là vợ hoặc chồng của ai đó, cố gắng ép mình thích nghi với chuyện quan hệ. Cũng vì thế, họ rơi vào vòng lẩn quẩn, với những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hời hợt, nhàm chán vì không có chuyện chăn gối. Một mặt vì bản thân họ không có điều kiện tự khám phá bản thân mình, nhận ra mình là ai. Nhưng điều quan trọng là họ chịu sức ép rất lớn từ xã hội, phải sống như bao người khác, lập gia đình, có con.
Số lượng những người này rất ít nhưng không phải là không có. Họ không có khuyết tật gì, chức năng sinh sản hoàn toàn bình thường chỉ là không bao giờ có ham muốn sex, bác sĩ Dung cho biết.
Thạc sĩ Đinh Đoàn, Chuyên gia Tư vấn tâm lý chia sẻ, theo một nghiên cứu, người vô tính hay tên tiếng Anh là asexual chiếm tỷ lệ khoảng 1% (tương đương với số người đồng tính trên thế giới). Với họ, quan hệ chỉ thuần túy là tình cảm và hoàn toàn không có sự thân mật về thể xác.
Từ trước đến người ta chia loài người thành 2 loại: nam và nữ. Nếu chia theo tình dục thì có đồng giới và khác giới, chia chi tiết hơn nữa thì có thêm lưỡng giới và không tình dục hay vô tính. Họ cũng biết yêu nhưng trong quan niệm của họ đó là một thứ tình yêu trong sáng, tinh khôi, thuần khiết, không có tình dục.
"Không mấy ai thừa nhận mình là người vô tính nhưng họ đến với nhà tâm lý và tâm sự không hiểu vì sao mình không để ý đến 'món này'. Đọc sách báo, xem tivi thấy có những người đi cưỡng dâm, hiếp dâm thì họ cảm thấy ngạc nhiên sao có người này, người kia đi làm cái chuyện ấy chỉ để thỏa mãn", thạc sĩ Đoàn nói.
Cũng theo ông, vấn đề vô tính chưa được giới khoa học quan tâm. Nhiều người vẫn có quan niêm rằng đây là vấn đề cần được chữa trị, là một bệnh về tâm lý-tình dục hoặc do thiếu hoóc môn phù hợp mà không biết rằng đây cũng chỉ là một xu hướng tình dục.
Bên cạnh đó, cũng cần phân biệt người vô tính với người liệt dương, "trên bảo dưới không nghe", muốn mà không làm được, còn ở đây là không muốn. Họ cũng khác với những người mắc chứng lãnh cảm. Từ bé đến lớn trong đầu họ không có khái niệm tình dục, thậm chí họ còn thấy ghê sợ, còn người lãnh cảm từng say mê chuyện này nhưng vì sức ép hoặc một áp lực tâm lý, một sự cố nào đó mà lãng quên, nhạt nhòa nhưng ít ra là vẫn có ham muốn.
"Về mặt xã hội họ là đối tượng vô hại. Vì thế, người thân nên hiểu họ, đây là bẩm sinh vì thế không nên quá ép. Chúng ta có thói quen cho rằng tất cả những gì thuộc về thiểu số đều là sai, là trục trặc, là có vấn đề. Nhưng không tình dục cũng là xu hướng tình dục của con người, nó cũng phải được tôn trọng và chấp nhận như tình dục khác giới - vốn là số đông", thạc sĩ Đoàn chia sẻ.
Cũng theo thạc sĩ, với những người vô tính đã có gia đình, có con, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ những người xung quanh, đặc biệt là vợ (chồng). Bản thân họ cũng không muốn điều đó nhưng lại không thể thay đổi được. Có thể kết cục khi họ nhận ra mình là ai là một cuộc hôn nhân tan vỡ hoặc cũng có thể tiếp tục cuộc sống như hiện tại, đây là sự lựa chọn của mỗi người.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi