Năm 1987, khi bà Akie Matsuzaki kết hôn với ông Shinzo Abe, lúc bấy giờ vẫn còn là một chính trị gia trẻ đang lên, bà đã từ bỏ công việc tại công ty quảng cáo lớn nhất nước để lui về hậu trường hỗ trợ chồng, như con đường của bao phụ nữ Nhật Bản khác.
Sau hơn ba thập kỷ sát cánh với ông Abe, trong đó có 9 năm trên cương vị đệ nhất phu nhân, bà Akie đã chứng minh rằng mình không đơn giản chỉ là một người vợ nơi hậu phương mà thực tế, bà giống như một chính trị gia đích thực.
Ở Nhật Bản, bà Akie nổi tiếng với những quan điểm thẳng thắn và tiến bộ. Không giống những người tiền nhiệm, bà không chịu sống dưới cái bóng của chồng mình. Thay vào đó, bà tích cực thực hiện các vai trò, nhiệm vụ công cộng theo phong cách giống các đệ nhất phu nhân Mỹ.
Hôm 8/7, sau khi ông Shinzo Abe bị ám sát ở tỉnh Nara, miền tây đất nước, bà đã lên một chuyến tàu vượt qua hành trình nhiều giờ để đến bên chồng ở Bệnh viện Đại học Y Nara.
Ngày hôm sau, bà đưa di thể ông về Tokyo bằng ôtô. Hôm 12/7, bà chủ trì tang lễ cho chồng trong một buổi lễ riêng tư tại chùa Zojoji ở Tokyo, sau đó ngồi trên xe chở linh cữu, đưa ông tới đài hỏa táng.
Trong tất cả những lần xuất hiện trước công chúng, bà đều giữ một phong thái nghiêm trang và điềm đạm.
"Akie Abe, với tư cách đệ nhất phu nhân, chắc chắn không giống những người tiền nhiệm của bà ấy", Tobias Harris, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận xét. Quan điểm ủng hộ các mục tiêu tiến bộ, phong cách làm việc tự do, phóng khoáng và phong thái tự tin, vui vẻ đã khiến bà được công chúng Nhật Bản yêu mến.
Trong giới truyền thông Nhật Bản, bà Akie có biệt danh là "đảng đối lập trong nhà" của ông Shinzo Abe.
Với tính cách thẳng thắn, không sợ nói lên suy nghĩ cá nhân, bà đã công khai thách thức một loạt chính sách của chồng, từ việc ông thúc đẩy năng lượng hạt nhân cho đến thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm 2016, bà đã gặp người biểu tình ở Okinawa, những người phản đối việc mở rộng căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, kế hoạch mà ông Abe ủng hộ.
"Tôi muốn tiếp thu và truyền đạt những quan điểm không thể đến được với chồng tôi hay vòng tròn thân cận xung quanh ông ấy", bà nói với Bloomberg hồi năm 2016. "Việc làm đó hơi giống một đảng đối lập, tôi cho là vậy".
Những quan điểm tiến bộ của bà đôi khi mâu thuẫn với các giá trị bảo thủ tại Nhật Bản.
Bà Akie là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền của cộng đồng LGBTQ. Bà từng tham gia sự kiện Diễu hành Tự hào của người đồng tính ở Tokyo vào năm 2014. Cựu đệ nhất phu nhân Nhật cũng ủng hộ sử dụng cần sa y tế, từng chụp ảnh trên một cánh đồng cần sa rộng lớn vào năm 2015.
Bà thỉnh thoảng cũng bị kéo vào các cuộc tranh cãi, trong đó có vụ bê bối về một thỏa thuận bán đất liên quan đến ngôi trường theo chủ nghĩa dân tộc Moritomo Gakuen ở tỉnh Osaka hồi năm 2017.
Mặc dù thường xuyên có quan điểm trái ngược nhau, vợ chồng cựu thủ tướng Nhật vẫn duy trì tình yêu sâu đậm và bà Akie không ngại thể hiện điều này trước công chúng. Hai người thường nắm tay nhau khi xuống máy bay trong các chuyến công du nước ngoài. Đây là cách thể hiện tình cảm công khai hiếm thấy trong giới chính trị Nhật Bản.
Ông Shinzo Abe thường xuyên xuất hiện trong các bài đăng trên Instagram của bà Akie, tươi cười bên cạnh bà tại các sự kiện hoặc khi đi dạo bình thường, cưng nựng chú chó của họ trên ghế sofa, đọc báo trong xe hơi hay tạo dáng bên một bát mì Udon cà ri.
Vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới, bà Akie Abe đã đăng một bức ảnh đám cưới của họ trong trang phục kimono. Vào ngày kỷ niệm 32 năm kết hôn, họ cùng ăn bánh kem anh đào và rượu vang.
Bà Akie rất tích cực sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram, thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc về cuộc sống của mình với hàng chục nghìn người theo dõi, điều khiến bà trở nên gần gũi hơn.
Là con gái một ông trùm bánh kẹo, bà Akie lớn lên trong nhung lụa ở thủ đô Tokyo. Bà từng theo học tại một trường Công giáo tư nhân và một trường nghề chỉ dành cho phụ nữ. Bà cũng nói thông thạo tiếng Anh.
Sau khi tốt nghiệp, bà Akie làm việc tại công ty quảng cáo Dentsu của Nhật Bản. Ở tuổi 22, bà gặp ông Shinzo Abe, người hơn bà 7 tuổi và khi đó đang là một trợ lý chính trị gia. Họ hẹn hò hơn hai năm trước khi kết hôn vào năm 1987.
Hai người không có con. Akie từng chia sẻ với truyền thông Nhật Bản rằng họ đã tìm cách điều trị chứng hiếm muộn nhưng không có kết quả.
Bà không phải mẫu người bằng lòng với việc bị giới hạn trong vai trò nội trợ. Bà từng làm người dẫn chương trình phát thanh vào những năm 1990, và sau khi chồng từ chức thủ tướng lần đầu tiên vào năm 2007, bà đã nảy ra ý tưởng mở một quán rượu nhỏ.
"Thời điểm ông Shinzo Abe chuẩn bị trở lại vị trí lãnh đạo vào năm 2012, đó cũng là lúc bà ấy đang bận rộn chuẩn bị mở một nhà hàng. Đây là điều mà bà Akie đã ấp ủ suốt quãng thời gian dài và khi ông Abe rời ghế thủ tướng vào năm 2007, bà đã chớp lấy cơ hội", Tobias Harris, tác giả một cuốn sách viết về cựu thủ tướng Abe, cho hay. "Vì vậy, Akie đã bắt chồng hứa rằng bà vẫn sẽ được mở nhà hàng của mình. Bà vẫn tiếp tục thực hiện nó và đó thực sự là một nhà hàng tốt".
Bà thậm chí còn tự trồng gạo hữu cơ trên một cánh đồng ở quê chồng và phục vụ tại nhà hàng.
Năm 2015, bà xuống ruộng cùng trồng lúa với đại sứ Mỹ tại Nhật Bản lúc đó là Caroline Kennedy. Bà mặc bộ trang phục lao động quen thuộc của phụ nữ Nhật Bản, lội chân trần trong làn nước đục.
Trong những năm trước khi trở lại với tư cách đệ nhất phu nhân, bà Akie quay lại trường đại học và lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu thiết kế xã hội tại Đại học Rikkyo.
"Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với chúng tôi", bà nói với Wall Street Journal năm 2013. "Sau một thời gian rút lui, ông ấy lại quyết định tập trung vào sự nghiệp chính trị. Tôi cảm thấy cần phải bắt đầu cuộc sống của riêng mình".
"Thực tế cho thấy trong suốt sự nghiệp chính trị của chồng, bà ấy thực sự đã rất cố gắng để vẫn giữ được bản sắc riêng, không phải là một người vợ chỉ biết xuất hiện bên cạnh người chồng chính trị gia hay chỉ làm những điều mà xã hội Nhật Bản mong muốn bà làm", Harris đánh giá. "Tôi không nghĩ bà ấy hào hứng hay hài lòng với một vai trò như vậy".
Vũ Hoàng (Theo CNN)