Giang phát hiện nhiễm nCoV từ ngày 20/4. Ban đầu cô sốt nhẹ khoảng 38 độ trong 3 ngày, kèm ho khan, mất khứu giác. Cô gọi cho phòng xét nghiệm đến nhà lấy mẫu. Thông thường, họ trả kết quả trong ngày, song do số lượng quá đông nên hai ngày sau cô mới được xác nhận nhiễm virus.
Sau đó, Giang được bác sĩ gia đình kê đơn, điều trị theo triệu chứng. Thuốc bao gồm Azithromycin 500 mg là kháng sinh ngăn chặn vi khuẩn phát triển, aspirin 80 mg để giảm đau hạ sốt. Ngoài ra là viên sủi, thuốc bổ, vitamin C và D. Bác sĩ dặn nếu có triệu chứng khó thở, hụt hơi phải lập tức thông báo để nhập viện.
"Cuộc sống của tôi hơn một tuần nay chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Bên ngoài là tiếng còi xe cứu thương với những tin tức về các ca mắc mới và ca tử vong liên tục phát ra từ phương tiện truyền thông", Thu Giang chia sẻ với VnExpress hôm 27/4.
"Tất cả người mắc Covid-19 nhẹ phải tự cách ly và chữa trong hai tuần. Nếu kết quả xét nghiệm vẫn dương tính thì phải cách ly tiếp, chứ bệnh viện ở đây không tiếp nhận tất cả bệnh nhân như ở Việt Nam", cô nói.
Giang sang Ấn Độ từ tháng 10/2020 nhưng chủ yếu làm việc tại nhà. Qua ti vi, đài báo, cô biết đợt dịch mới này bùng lên mạnh hơn do các lễ hội tôn giáo, đám cưới, biểu tình... tập trung đông người.
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày cao nhất thế giới, chiếm gần một nửa các trường hợp toàn cầu. Nhiều bệnh viện vật lộn co kéo lượng oxy y tế ít ỏi, thậm chí rút máy thở oxy người cao tuổi để nhường cơ hội sống cho những người trẻ hơn. Các lò hỏa táng không ngừng đỏ lửa. Người phát ngôn bệnh viện Sir Ganga Ram ở thủ đô New Delhi cho biết: "Bệnh viện đang ở chế độ ‘xin và vay'. Đây là tình huống khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng".
Đợt dịch này, nhiều người quen của Giang mắc Covid-19. Chính quyền tăng cường kiểm soát chặt việc đi lại, ra đường bị chặn lại hỏi lý do, nếu không hợp lý có thể phải quay về. Người dân dự trữ lương thực và ở trong nhà. Những người không đeo khẩu trang nơi công cộng, kể cả khi ngồi trong ô tô đi tren đường, đều bị phạt hành chính.
Đến nay, Giang hạ sốt nhưng chưa dám gọi điện thông báo với gia đình. Hàng ngày, cô tự nhắc nhở bản thân giữ gìn sức khỏe, ăn uống và tập luyện nhẹ nhàng để giải tỏa căng thẳng.
"Tôi học cách chấp nhận sống chung với lũ, cố gắng uống thuốc và chờ chuyến bay giải cứu về nước", Giang nói.
Cách xa Delhi 3.000 km, Lại Ngọc Lan Hương, 29 tuổi, làm nghề thiết kế đồ hoạ tự do, cũng chật vật ở nhà để phòng chống dịch. Cô theo chồng sang Ấn Độ từ tháng 2/2020.
Cô cho hay, kể từ khi Covid-19 bùng phát, mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, được hướng dẫn cách phòng tránh. Thời gian đầu, các bệnh viện có chốt kiểm tra y tế trước khi ra vào nhưng giờ đã gỡ bỏ. Nhiều người dân không còn tuân thủ quy tắc phòng dịch như trước. Nhà hàng, khu vui chơi, quán bar, phố ăn đêm gần nơi cô sinh sống vẫn nhộn nhịp. Đêm 26/4, người dân ở khu phố còn tổ chức đám cưới, tụ tập chúc mừng.
Tuy nhiên, hai vợ chồng Hương nhắc nhau tuân thủ đeo khẩu trang và rửa tay khi đi ra ngoài, thay quần áo khi về nhà, khử trùng đồ mua trước khi dùng. Người Việt tại Ấn cũng thường xuyên liên lạc qua một nhóm trên mạng xã hội để giúp đỡ và động viên nhau.
Anh Nguyễn Tuấn Lê Giang, 36 tuổi, sống ở thành phố Bangalore, thuộc bang Karnataka, cách thủ đô 3 giờ bay. Bangalore bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày kể từ 27/4. Trước đó, thành phố thực thi lệnh giới nghiêm vào buổi tối và cuối tuần. Anh Giang cho biết chỉ khoảng 15 người Việt ở Bangalore, trong đó đa phần là cô dâu lấy chồng Ấn Độ. Mọi người trao đổi thông tin qua một nhóm trên mạng, may mắn tất cả đều khỏe mạnh, chưa ai mắc Covid-19.
Giang cùng vợ và con nhỏ chỉ ở trong nhà, thỉnh thoảng ra ngoài song đường sá cũng vắng lặng. Gia đình anh mua thực phẩm qua mạng, từ thức ăn, bột giặt, đồ gia dụng... vì hạn chế tiếp xúc người lạ. Sau khi nhận hàng, anh loại bỏ bao bì, diệt khuẩn, rửa kỹ trước khi sử dụng
"Mình còn công việc ở đây nên không thể về nhà được. Trong thời gian này, mình rất buồn và nhớ nhà. Mẹ mình đang ở Việt Nam một mình và bị bệnh nên mình cũng rất lo lắng", anh chia sẻ.
Theo ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán sứ quán Việt Nam tại New Delhi, hiện còn gần 100 người Việt ở lại, học tập, công tác rải rác tại nhiều thành phố trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Họ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, điều kiện sinh hoạt không thuận tiện cùng với áp lực căng thẳng về tâm lý, tình cảm.
"Đại sứ quán cố gắng hết sức thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn, sức khỏe và cuộc sống của các công dân Việt Nam", ông Hải nói.
Hơn một năm sống chung với Covid-19 khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, Hương mong sớm có chuyến bay giải cứu về nước để tiếp tục việc kinh doanh. Thu Giang nóng ruột chờ đợi kết quả xét nghiệm, mong khỏi bệnh để sớm được trở về đoàn tụ gia đình.
"Nỗi lo lớn nhất của tôi hiện nay là chi phí y tế đắt đỏ. Chẳng may bệnh trở nặng, dốc cạn túi cũng không đủ tiền nằm viện", Thu Giang lo lắng nói.
Thùy An - Thúy Quỳnh