Campuchia ghi nhận số ca nhiễm tăng đáng kể trong hai tuần qua, lượng người mắc mới mỗi ngày dao động từ 157 đến 655. Tổng cộng có 22 tỉnh ghi nhận ca nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 26/4, Campuchia có hơn 9.900 ca dương tính và 74 trường hợp tử vong.
"Chúng tôi biết rằng không bao giờ quá muộn để xoay chuyển tình thế. Niềm hy vọng chưa mất đi, miễn là Campuchia đồng lòng như một quốc gia, một xã hội. Tất cả đoàn kết chống Covid-19", tiến sĩ Li Ailan, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, cho biết.
Theo WHO, dữ liệu toàn cầu đến nay cho thấy ít nhất ba yếu tố cần thiết để giải quyết đại dịch một cách hiệu quả: các nhà lãnh đạo phải đẩy mạnh đưa ra các quyết định và hành động kiểm soát Covid-19, toàn xã hội cần đồng lòng và người dân phối hợp thực hiện biện pháp y tế công cộng.
"Với tất cả các yếu tố này, tình hình có thể đảo ngược, quá trình lây nhiễm chậm lại. Chúng tôi nhận thấy các nhà lãnh đạo Campuchia đã mạnh mẽ đưa ra các quyết định khó khăn. Nhưng điều này là chưa đủ. Chính sự đoàn kết, đồng lòng giữa các khu vực, cá nhân và tập thể là chìa khóa thành công trong cuộc chiến chống Covid-19", tiến sĩ Li nhận định.
Tại Campuchia, virus dễ lây lan ở những nơi đông đúc như hộp đêm, địa điểm giải trí, nhà máy và chợ, thậm chí văn phòng làm việc của doanh nghiệp nhỏ hay tại các buổi họp gia đình.
Bà Li cho biết đợt bùng phát hiện tại ở các khu chợ và công xưởng là "lời nhắc nhở đau đớn" về tầm quan trọng của việc đầu tư vào biện pháp phòng chống trước khi đại dịch quay trở lại.
Hôm 24/4, Campuchia yêu cầu xét nghiệm toàn bộ người dân trong "Vùng Đỏ" - những khu vực có nguy cơ lây nhiễm nCoV cao nhất ở Phnom Penh. Những cá nhân không hợp tác có thể bị phạt từ 1 triệu riel (250 USD) đến 5 triệu riel (1.250 USD). Phnom Penh áp lệnh phong tỏa từ ngày 15/4 đến 28/4, nhằm ứng phó đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng.
Thục Linh (Theo Khmer Times)