Câu chuyện về tư duy mua xe phải giữ giá khi bán lại của người Việt được độc giả Ngô Vĩnh Yên tổng hợp qua câu chuyện xuyên suốt từ những thập niên 80 tới nay. Bài viết cũng nhắc tới nhiều quan điểm của các độc giả khác đã chia sẻ trên VnExpress trong năm qua.
Câu chuyện xe máy
Nhớ thập niên 80-90, nhà nào sắm được chiếc Honda Dame phải nói thiên hạ cứ mắt tròn mắt dẹt. Người ta mua xe máy ngoài mục đích phục vụ công việc đi lại còn để giải quyết "khâu oai" với người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Tại sao không?
Làm lụng dành dụm cả đời, khi sắm được thì phải cho thiên hạ biết về sự thành đạt của mình chứ? Đó là tâm lý chung. Mình cưỡi con xe đẹp và hợp mốt thì người khác cũng nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ kia mà. Họ hàng cũng tự hào khi mình về quê với chiếc xe bong bẩy, thời thượng.
Xe máy lúc này là tài sản lớn chứ không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển. Vì sao ư? Người có cả một số tiền lớn trong thời gian dài, quy ra vàng để nói giá trị của chiếc xe. Mà là tài sản thì cứ phải giữ giá, mua bán dễ dàng và không mất giá.
Honda trở thành độc cô cầu bại là thế. Thậm chí trong từ điển đời thường người ta gọi toàn bộ xe máy hai bánh thành "xe honda". Thuở ấy, thanh niên muốn cô nàng "chưa cưa cây đã đổ", phải cưỡi 67, cup 81, 82, “kim vàng giọt lệ”, tiếp nối là thế hệ xe đèn vuông như 87... và sau đó là “Giấc mơ” đủ loại từ I, II đến cả “Rim lùn”.
Rồi làn sóng xe Trung Quốc nhái đủ loại tràn qua với giá rẻ chỉ bằng 30% thậm chí 25%, xe máy dần dần trở về đúng với ý nghĩa của phương tiện giao thông thuần túy trừ mấy dòng xe cao cấp khác.
Xã hội phát triển, thu nhập tăng, từ xe máy người ta bắt đầu câu chuyện ôtô. Tuy nhiên cái tư duy xe máy ngày xưa hình như vẫn hằn sâu trong phần lớn người tiêu dùng ngày hôm nay.
Độc giả Ngô Vĩnh Yên