Kế hoạch trên nằm trong định hướng thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền. Có sáu loại nền tảng số sẽ được phổ cập đến người dân và doanh nghiệp trong năm nay, gồm sàn thương mại điện tử, nền tảng dạy học trực tuyến, nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe, nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến, và nền tảng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ TT&TT, việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng số để sử dụng những nền tảng trên nhằm giúp người dân cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng.
Sau khi được phổ cập, người dân có có thể đưa các hoạt động của mình lên môi trường số. Ví dụ, các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có thể đưa sản phẩm lên trang thương mại điện tử. Trong khi đó, nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe sẽ kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện.
Để thực hiện định hướng này, sẽ có các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại địa phương hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Ví dụ để phát triển kinh tế số, các tổ sẽ hướng dẫn hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn sử dụng sàn thương mại điện tử, hướng dẫn đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, nhận đơn, đóng gói sản phẩm...
Theo Bộ TT&TT, nội dung triển khai phải phù hợp với đặc thù của địa phương, từ đó người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Đại diện Bộ cũng nhận định 2022 sẽ là năm đẩy mạnh chuyển đổi số, sau quá trình khởi động nhận thức về chuyển đổi số (năm 2020) và bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong đại dịch (năm 2021).
"Định hướng xuyên suốt 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số", đại diện Bộ nói.
Lưu Quý