Việc triển khai 5G nằm trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Viễn thông năm tới, được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 22/12.
Theo đó, mạng 5G dự kiến được chính thức thương mại hóa trong năm tới, sử dụng các thiết bị Make in Vietnam. Ngành viễn thông cũng nghiên cứu và thúc đẩy áp dụng các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến như MORAN (Multi Operator Radio Access Network, MOCN (Multi-Operator Core Network). Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G đến 25% dân số vào 2025.
Hiện chưa rõ 5G sẽ được triển khai cụ thể vào giai đoạn nào năm tới. Trước đó, cuối 2020, mạng 5G từng được dự định thương mại hóa giữa năm nay nhưng hiện vẫn ở trạng thái thử nghiệm. Bộ TT&TT sẽ quy hoạch các băng tần 6/7 GHz và trên 40 GHz cho thông tin di động 5G. Băng tần 900 MHz, 1800 MHz và 2100 MHz cũng được phân bổ lại cho mạng 4G và 5G.
Năm nay, mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước. Trong khi đó, mạng 5G đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone thử nghiệm thương mại tại 16 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhà mạng Viettel cho biết đã nghiên cứu thành công sản phẩm 5G hoàn chỉnh, gồm mạng lõi 5G Core, mạng truyền dẫn Site Router 100G, mạng vô tuyến gNodeB Micro và Macro. Công ty cũng đã triển khai thử nghiệm một cụm mạng 5G hoàn chỉnh trong tháng 12.
Ngoài ra, người dùng được khuyến khích chuyển sang sử dụng smartphone và mạng di động thế hệ mới như 4G, 5G, thay cho công nghệ di động cũ. Dự kiến đến tháng 12/2022, chỉ còn 5% người dùng điện thoại phổ thông kết nối 2G.
Trước đó, tại sự kiện ITU Digital World ngày 12/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đến năm 2023, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. "Chính phủ và các nhà mạng sẽ trợ giá thiết bị 4G cho người dùng 2G còn lại, chiếm dưới 5%", ông Hùng nói. "Có nghĩa từ 2023, 100% người dùng di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng sử dụng Internet".
Theo số liệu của Cục Viễn thông đến cuối năm 2020, Việt Nam có 24 triệu thuê bao 2G trên tổng số 130 triệu thuê bao đi động. Trong 24 triệu thuê bao này có những số được sử dụng cho máy phụ thứ hai của người dùng đã có smartphone. Ước tính còn khoảng 12,4 triệu người chỉ sử dụng duy nhất một điện thoại "cục gạch" và là những người cần hỗ trợ để chuyển sang điện thoại 4G. Con số này trong 2 năm tới dự kiến có thể giảm xuống còn 5-7 triệu, tức chiếm khoảng 5%.
Lưu Quý