Tôi vừa tham gia một khóa học chế biến cà phê chất lượng cao do Hiệp hội cà phê địa phương nơi tôi đang sống tổ chức. Lớp học có học phí 3,5 triệu đồng/người với bốn ngày học, là giá đã được hỗ trợ nhiều so với gần 20 triệu đồng/người trước đây. Lớp học thu hút sự tham gia của nhiều người đến từ các đơn vị phân phối cà phê rang, xay; cung cấp máy móc, thiết bị trong ngành cà phê; chủ quán cà phê... của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Là người sống ở vùng trồng cà phê, tiếp xúc hàng ngày với cây cà phê, nhưng tại lớp học tôi mới ngỡ ra nhiều điều. Quá trình thu hái, chế biến, bảo quản đã ảnh hưởng lớn thế nào đến chất lượng, hương vị và giá thành cà phê của tỉnh tôi nói riêng và nước ta nói chung?
Gõ tìm kiếm "giá cà phê nhân các vùng" trên Google sẽ cho ra kết quả giá cà phê được thu mua tại các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông - những địa phương có sản lượng cà phê lớn trong cả nước. Giá cà phê nhân được thu mua tại tỉnh tôi rẻ hơn khoảng 600-800 đồng/kg so với các tỉnh khác và là mức giá thấp nhất trong bốn tỉnh. Với sản lượng trung bình hơn 550.000 tấn/năm thì số tiền người dân trồng cà phê tỉnh nhà phải buộc phải chấp nhận "đánh rơi" là hơn 440 triệu đồng.
Sản lượng cà phê nhân hàng năm của huyện tôi chiếm khoảng 26% tổng sản lượng của tỉnh - địa phương chiếm khoảng 43% trong tổng số 1,266 triệu tấn cà phê nhân nước ta xuất khẩu hàng năm. Như vậy, số tiền mà người dân "đánh rơi" là không nhỏ so với mức thu nhập vẫn còn thấp của một huyện vùng cao.
Ai cũng biết cà phê khi thu hái với tỷ lệ trái xanh cao sẽ làm giảm sản lượng và chất lượng cà phê nhân, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua. Thế nhưng, rất khó thay đổi tập quán này do không tìm được lời giải cho các vấn đề được đặt ra:
Thứ nhất, việc thu hái phụ thuộc phần lớn vào nhân công đến từ các địa phương khác làm theo mùa vụ, muốn hoàn thành sớm để chuyển đến thu hoạch loại cây trồng tại nơi khác. Thứ hai, để đảm bảo thuận tiện trong việc kiểm soát mất trộm. Thứ ba, mùa thu hoạch thường rơi vào những tháng cuối năm, khi có mưa bão kéo dài cà phê dễ rụng. Thứ tư, tâm lý muốn kết thúc vụ mùa trước Tết Nguyên đán để tập trung việc cắt cành, tưới, chăm sóc cho cà phê...
Nhiều năm đã trôi qua như thế, sản lượng cà phê càng tăng thì số tiền vuột mất càng nhiều. Người dân chấp nhận "đánh rơi" đi thu nhập chính đáng của mình mà không nghĩ rằng điều này đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng cà phê nhân không chỉ của một tỉnh mà là cả nước. Tại sao họ không tìm hiểu câu trả lời và hành động để thay đổi điều đó?
>> Người trồng cà phê quê tôi chuộng loại pha trộn
Chính sự chần chừ này đã âm thầm kéo chất lượng và giá thành cà phê nhân của nước ta xuống thấp. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn từ tháng 2/2021 đến tháng 1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Xét về năng suất trồng, cà phê Việt Nam đứng đầu thế giới, 2.4 tấn/ha. Song, giá cà phê xuất khẩu của nước ta lại rất rẻ, luôn xếp chót bảng trong các nước xuất khẩu; giá trung bình nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 2.214 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với Brazil, Ấn Độ.
Với mong muốn người tiêu dùng, trước tiên là chính người trồng cà phê tại địa phương được thưởng thức ly cà phê chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu do chính mình tạo nên; từ kiến thức tại các lớp học chế biến cà phê chất lượng cao được tổ chức trước đây, một số nông dân tại Di Linh tâm huyết với cây cà phê đã chế biến ra loại cà phê chất lượng cao, thế nhưng việc tìm thị trường tiêu thụ là bài toán khó đối với họ.
Sự kiện một công ty tại Đăk Lăk vừa xuất khẩu thành công một lô hàng nguyên container cà phê đặc sản vào thị trường Nhật Bản vào tháng 7/2023 vừa qua đã gây tiếng vang lớn trong ngành cà phê Việt Nam. Điều này khẳng định mọi khách hàng trên thế giới sẽ trả giá cao cho cà phê Robusta Việt Nam nếu chúng ta đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của họ. Từ những lô hàng cà phê chất lượng cao được thị trường thế giới chấp nhận mua dù trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu tiến vào giai đoạn suy thoái đã khẳng định giá trị cà phê nhân Việt Nam hoàn toàn có thể được nâng cao nếu người nông dân dám thay đổi tư duy sản xuất, chế biến.
"Cà phê là nông sản có giá trị lớn, mỗi năm giá trị giao dịch cà phê tương đương 220 tỷ USD, thế nhưng người nông dân trồng cà phê đang có mức thu nhập bình quân thấp", phát biểu của Chủ tịch một hiệp hội cà phê tại lớp học chế biến cà phê chất lượng cao mà tôi tham dự vừa qua cũng là nỗi trăn trở của tôi cũng như người trồng cà phê cả nước.
Người nông dân trồng cà phê ở quê tôi đã "đánh rơi" tiền của mình quá nhiều, quá lâu, họ cần phải mạnh mẽ hành động để thay đổi tư duy thu hái, chế biến cà phê để trước hết, chính họ xứng đáng được hưởng lợi nhiều hơn từ loại cây trồng cả đời mình gắn bó - mà có thể chưa hiểu rõ. Điều này sẽ giải quyết bài toán về sự chênh lệch giá cà phê nhân giữa các vùng nói riêng và của nước ta nói chung - nước có năng suất cà phê cao nhất thế giới, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu thứ hai thế giới nhưng giá thành lại thấp nhất thế giới.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.