Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, hầu hết là bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Phó giáo sư Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh, việc ăn nhiều thịt ít rau xanh liên quan trực tiếp đến tình trạng béo phì, gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày ăn dưới 14 g thịt, năm 2010 đã tăng đến 85 g. Mức tiêu thụ thịt của người dân ở nông thôn bằng 2/3 người thành thị. Người dân khu vực đồng bằng sông Hồng ăn thịt nhiều nhất.
Trong khi đó, người Việt ngày nay ít ăn cá, mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích. Năm 1985 trung bình mỗi người một ngày tiêu thụ khoảng 40 g cá, sau 25 năm chỉ tăng lên đến 60 g. Lượng trứng, sữa ăn tăng gấp 20 lần, phần lớn là người già, trẻ nhỏ dùng.
Lượng tiêu thụ rau xanh mỗi người chỉ ăn khoảng 200 g một ngày, giảm so với vài chục năm trước và chỉ đạt một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hơn một nửa dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo. Nam giới lười ăn rau xanh hơn phụ nữ.
Khẩu phần ăn của người Việt hiện nay cũng thay đổi rất nhiều. Mức tiêu thụ gạo giảm và tăng lương thực khác như bánh mì, bột mì. Các thực phẩm truyền thống có chất bột từ khoai củ giảm 10 lần.
Theo Phó giáo sư Lê Bạch Mai, điểm bất hợp lý nữa trong khẩu phần ăn của người Việt là chưa coi trọng dinh dưỡng từ các loại hạt. Thực tế người dân nông thôn ít bị bệnh tim mạch, ung thư ruột già, đái đường, táo bón hơn so với dân thành thị. Lý do vì họ ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hơn, còn người thành thị ăn nhiều thịt và mỡ, ít thực phẩm có chất xơ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ăn nhiều muối làm tăng huyết áp. Ăn dư thừa chất bột đường có thể phá hủy quá trình trao đổi chất của cơ thể, làm tăng đường huyết và cholesterol trong máu, tích tụ chất béo quanh gan, giảm chức năng tuyến tuỵ. Cơ thể bổ sung nhiều protein làm tích mỡ, tạo gánh nặng cho thận. Thừa protein động vật nhiều purin gây tăng axit uric máu, tăng nguy cơ bệnh gút và ung thư đại trực tràng.
Ngoài ra, ăn ít rau xanh và trái cây liên quan đến 19% trường hợp ung thư dạ dày và ruột, 31% bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ và 11% đột quỵ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% trường hợp tử vong do tất cả nguyên nhân, đứng đầu là tim mạch, ung thư, đái tháo đường... Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm cao gấp 40-50 lần so với điều trị bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ biến chứng.
Ngoài ăn nhiều thịt ít rau cá, Việt Nam đang phải đối diện với tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao, chiếm 24,6% và ảnh hưởng lớn đến tầm vóc của người Việt Nam. Vì vậy, mỗi người cần ăn đủ nhu cầu năng lượng mỗi ngày theo nhóm tuổi, trẻ cần được bú sữa mẹ đến hết 2 năm đầu đời, mỗi ngày cần xây dựng thực đơn đáp ứng đủ vitamin, chất xơ, khoáng chất... Cùng với đó, vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nếu một người ăn đủ 5 suất rau, tương đương 400 g rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác. Mỗi suất rau hoặc trái cây 80 g tương đương với một trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.
Có thể đảm bảo nhu cầu chất xơ đối với người từ 24 tháng tuổi trở lên bằng cách mỗi ngày ăn 2 lần các loại quả, 3 lần hoặc hơn các loại rau. Số lượng mỗi lần ăn cần phù hợp với lứa tuổi.
Dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm lành mạnh là ưu tiên hàng đầu trong dự phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe người dân. Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu ưu tiên chăm sóc sức khỏe của người dân đến năm 2030. Trong đó, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Thúy Quỳnh