Ở một góc phố phía đông thủ đô Caracas hôm 11/3, Rosa Elena bước khỏi xe, ngắt lá từ một cái cây mọc bên vệ đường, theo Guardian.
"Đây là cây sầu đâu", bà nói. "Lá cây chứa lượng đường cao, pha trà rất ngon".
Elena mắc bệnh tiểu đường. Từ ngày cả nước mất điện hôm 7/3, bà bắt đầu lo lắng thuốc insulin cất trong tủ lạnh sẽ bị hỏng. Vì thế, Elena đi khắp thành phố, hái lá sầu đâu dự trữ bởi tin rằng loại lá này giúp kiểm soát đường huyết.
Sự cố mất điện ở Venezuela bước sang ngày thứ sáu. Người dân buộc phải ứng phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện đang ảnh hưởng tới mọi sinh hoạt. Dù thỉnh thoảng ở Caracas vẫn có điện, nhưng không ổn định. Nhiều khu phố vẫn chìm trong bóng tối từ tuần trước, còn trường học, nhà xưởng hôm 12/3 vẫn đóng cửa.
Thực phẩm trong tủ lạnh bị thối vì rã đông, bệnh viện phải chật vật duy trì thiết bị hoạt động, người dân tụ tập ở góc phố với hy vọng bắt được tín hiệu điện thoại chập chờn.
Ở Residencias Karina, khu chung cư tại Baruta, khu vực phía đông nam Caracas nơi tối qua vẫn mất điện, người dân cùng chia sẻ những kỹ năng sinh tồn.
Một cụ ông cho cả xóm mượn máy phát điện. Dây cáp chạy dọc theo tường của tòa nhà gạch đỏ tới một căn hộ, nơi hàng xóm sạc nhờ điện thoại. Để giữ cho cái máy không bị quá nóng hoặc bị nước mưa, họ dựng bạt và bìa cứng che chắn.
Bình thường, xăng dầu được nhà nước cung cấp miễn phí nhưng mất điện khiến máy bơm nước không thể hoạt động, mang can ra trạm xăng mua nhiên liệu lại bị cấm. Vì thế, người ta buộc phải mua nhiên liệu ở chợ đen để máy nổ hoạt động.
"Chính phủ gọi đó là hàng lậu, còn chúng tôi gọi đó là sống còn", Carolina, một người phụ nữ giấu họ, nói.
Pedro Marinez, một người hàng xóm khác từng là nông dân ở vùng đồng bằng miền Tây rộng lớn, đã dạy những kỹ năng độc đáo của ông cho hàng xóm.
"Tôi là anh nông dân", ông nói. "Tôi không biết dùng điện thoại mà vẫn sống được. Nhưng tôi lại biết cách muối thịt".
Martinez chế biến chỗ thịt bò được hàng xóm gửi thành thịt khô để ăn được lâu hơn. "Thịt gà và cá trong tủ của họ đều thối rồi", ông nói.
Đêm 10/3, tòa nhà bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ nổ khi trạm điện bắt lửa. Hiện chưa rõ nguyên nhân.
"Nghe giống tiếng máy bay cất cánh", Carolina nói. Mùi khét của nhựa cháy bốc ra từ nhà máy điện thoang thoảng quanh khu phố.
Vụ nổ làm tăng cảm giác tuyệt vọng trong khu phố từng vài lần bùng nổ nạn cướp bóc. Người dân thắt chặt cảnh giác. Họ bơm nước từ một cái giếng phía sau cổng trước khu nhà, thay phiên mang đồ tiếp tế cho hàng xóm cao tuổi ở tầng trên.
Cả thành phố lâm vào tình trạng thiếu nước. Trước cửa một hiệu thuốc trong khu thượng lưu Las Mercedes, hàng dài người cầm bình đứng xếp hàng chờ lấy nước, dài hơn so với dòng người xếp hàng ở trạm xăng.
Moisés de Lima, người vừa mới lên chức bố, hứng đầy nước chất lên xe. Anh dự trữ sẵn nước cho cuộc khủng hoảng dự kiến sẽ kéo dài.
"Bây giờ chúng tôi đang ở trong thời buổi chiến tranh kinh tế", de Lima nói, giọng run lên vì giận dữ.
Tối qua, Tổng thống Nicolas Maduro lên sóng truyền hình quốc gia, cho biết tình trạng mất điện là một phần âm mưu của Mỹ nhằm đẩy Venezuela vào hỗn loạn để lấy cớ đưa quân đội vào đất nước này.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng nguyên nhân mất điện là chính phủ nhiều năm không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quản lý kém và tham nhũng.
"Họ đã nắm quyền 20 năm và đẩy chúng tôi vào cuộc khủng hoảng năng lượng 20 năm", de Lima nói. Anh phải dùng USD trả tiền mua nước. "Sau 20 năm, không thể đổ lỗi cho người khác vì vấn đề của bản thân mình".
Bên ngoài căn cứ không quân La Carlota gần trung tâm thành phố, người dân địa phương vây quanh một đồn cảnh sát, mang theo chai lọ, bình rỗng. Jeancary Lugo là một trong số những người đứng xếp hàng. Cô thất vọng trước việc một số chủ cửa hàng kiếm lời từ cuộc khủng hoảng.
"Hôm thứ sáu tôi mua một túi đá trong cửa hàng với giá 1,5 USD. Hôm qua, họ tăng lên 8 USD", cô nói. "Đa số mọi người đoàn kết, nhưng cũng có người trục lợi. Tôi có cảm giác như họ đang muốn cướp sạch của chúng tôi".