Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát hôm 11/3 ban bố "tình trạng báo động" sau khi tình trạng mất điện diện rộng tại quốc gia Nam Mỹ này kéo dài tới 5 ngày, khiến các hoạt động bị tê liệt và hàng triệu người thiếu thức ăn, nước uống.
"Tình hình Venezuela không bình thường và chúng tôi không cho phép thảm kịch này được coi là bình thường. Đó là lý do chúng tôi cần ban bố tình trạng báo động", Reuters dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, người tự phong là "tổng thống lâm thời Venezuela" từ hôm 23/1, cho biết.
Theo hiến pháp Venezuela, tổng thống được phép ban bố tình trạng báo động nếu xảy ra thảm họa nghiêm trọng "làm tổn hại tới an ninh quốc gia", nhưng không nêu cụ thể về những tác động thực tế của tuyên bố này.
Tình trạng mất điện diện rộng tại Venezuela bắt đầu từ chiều 7/3, ảnh hưởng đến gần như toàn bộ 23 bang. Tới tối 11/3, nhiều khu vực vẫn chìm trong bóng tối, dù phần lớn thủ đô Caracas đã có điện trở lại.
Các nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu mỏ cho biết hoạt động xuất khẩu tại cảng Jose bị đình trệ do mất điện, khiến nguồn doanh thu chính của Venezuela bị chặn lại. Nhiều trường học, văn phòng ở Venezuela có thể phải đóng cửa ngày thứ ba liên tiếp do mất điện.
Công ty Điện lực Quốc gia Venezuela cho biết đợt mất điện này diễn ra do một sự cố tại nhà máy thủy điện Simon Bolivar, trong khi Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng đây là hành động phá hoại do Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ phủ nhận mọi sự liên quan tới đợt mất điện này ở Venezuela.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Venezuela trở nên căng thẳng kể từ khi Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời. Mỹ và khoảng 50 nước ủng hộ Guaido, gia tăng sức ép buộc Maduro từ chức. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro nhận được sự hậu thuẫn của quân đội và nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ.