Hôm 8/3, bệnh viện chật vật tìm mọi cách duy trì hoạt động của máy phát điện, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và các gia đình lo lắng cố gắng liên lạc với người thân trong cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất từ trước tới nay ở Venezuela, theo Time.
Tình trạng mất điện, xảy ra từ chiều 7/3, ảnh hưởng tới gần 23 bang của Venezuela, vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi bước sang ngày thứ hai, khiến sự kiên nhẫn của người dân bắt đầu lung lay.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ra lệnh cho trường học và tất cả các cơ quan chính phủ đóng cửa, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp không mở cửa để tạo điều kiện cho nhà chức trách sớm khôi phục điện.
"Điều này là chưa từng có", Orlando Roa, 54 tuổi, nói. Ông chỉ trích chính quyền Tổng thống Maduro vì không thể duy trì hệ thống điện và để những kỹ sư lành nghề rời bỏ đất nước. "Đây là lỗi của chính phủ", Roa quả quyết.
Chính phủ Venezuela trong khi đó đổ lỗi cho phe cánh hữu cực đoan gây ra tình trạng hỗn loạn theo chỉ thị từ Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phản pháo, khẳng định chính quyền Maduro mới là bên phải chịu trách nhiệm.
"Các chính sách của Maduro không mang lại điều gì ngoài sự tăm tối", Ngoại trưởng Pompeo viết trên mạng xã hội. "Không thực phẩm. Không thuốc thang. Giờ đây, không điện. Tiếp theo, không Maduro".
Khủng hoảng điện nổ ra trong bối cảnh Venezuela đang đối mặt với cuộc cạnh tranh chính trị giữa Tổng thống Maduro và lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự phong là tổng thống lâm thời hồi tháng một và nhận được ủng hộ từ Mỹ cùng khoảng 50 quốc gia khác.
Không có điện để sạc điện thoại, mạng xã hội của Venezuela trở nên im ắng. Những người hiếm hoi bắt được tín hiệu đua nhau chia sẻ dòng hashtag #SinLuz, nghĩa là "không có ánh sáng" trong tiếng Anh, cùng hình ảnh các thành phố trên khắp đất nước tối đen, trông giống như những "thành phố ma".
Một số người chia sẻ ảnh những chiếc xe xếp hàng dài chờ đổ nhiên liệu tại các trạm xăng. Một người đàn ông cho biết ông chưa nhận được tin gì từ mẹ mình suốt 17 tiếng qua. "Thật bất lực", ông nói.
Giám đốc CODEVIDA, một liên minh gồm các nhóm vận động y tế ở Venezuela, cho hay hàng nghìn bệnh nhân chạy thận hiện không được điều trị vì mất điện. Dù một số bệnh viện có điện nhờ máy phát, số khác đang phải hoạt động cầm chừng.
Tại phong hộ sinh thuộc cơ sở y tế Avila Clinic ở phía đông thủ đô Caracas hôm 7/3, một số bà mẹ đã bật khóc khi thấy các y tá phải cầm theo nến để đi kiểm tra các dấu hiệu sự sống của những em bé sinh non đang nằm trong lồng ấp.
Zaida Rodriguez, 40 tuổi, kỹ thuật viện tim mạch, đã đi bộ nhiều km đến phòng khám tư nơi cô làm việc nhưng nhận được yêu cầu ra về bởi nơi đây hiện chỉ tiếp nhận những ca nghiêm trọng và hoạt động dựa trên số nhân lực cơ bản nhằm tiết kiệm điện.
"Tại sao một quốc gia dầu mỏ như chúng ta lại không có phương pháp dự phòng khẩn cấp nào cho những tình huống kiểu này", Rodriguez tự hỏi. "Thật thảm hại", cô nói.
Hệ thống điện Venezuela từng là niềm ganh tỵ đối với nhiều quốc gia Mỹ Latin nhưng nó dần hư hỏng sau nhiều năm không được bảo trì và quản lý yếu kém. Dù tình trạng mất điện liên tục xảy ra, đây là lần đầu tiên Venezuela chìm trong bóng tối lâu đến vậy.
Công ty điện lực nhà nước Corpoelec cáo buộc tình trạng hiện nay là kết quả của những hành vi "phá hoại" tại đập Guri, một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới và là nền tảng của mạng lưới điện Venezuela.
Mất điện khiến giao thông hỗn loạn khi hệ thống đèn báo hiệu không hoạt động. Hệ thống tàu điện ngầm ở Caracas cũng đứng im. Theo các bản tin, một chuyến bay hôm 7/3 từ quốc gia láng giềng Colombia tới Venezuela đã phải quay đầu khi máy phát điện dự phòng tại sân bay Caracas không hoạt động, thiếu ánh sáng, và thiết bị, các quan chức hải quan không thể sàng lọc người nhập cảnh.
Một video đăng trên mạng cho thấy các hành khách giận dữ xếp hàng dài bên các quầy làm thủ tục, yêu cầu được lên máy bay.
"Bay! Bay! Bay!", họ hô lớn.
Người dân Venezuela cảm thấy hoang mang mỗi khi đặt đồ ăn lên bàn, lo lắng rằng thực phẩm sẽ bị ôi thiu trong những chiếc tủ lạnh không có điện. Các chủ kinh doanh bắt đầu cảm nhận được những tổn thất đầu tiên.
"Việc duy nhất tôi có thể làm là chờ đến khi ánh sáng quay trở lại", Jose Rodriguez, 51 tuổi, chủ một nhà hàng nhỏ ở Caracas, nói. "Hôm nay là một ngày thất bại đối với tôi".