(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi không phải là nhà kinh tế, nhưng nhìn nhận một cách tổng thể cũng có thể thấy rằng, nếu vẫn duy trì việc bao cấp toàn bộ chi phí liên quan đến cách ly, chữa trị Covid-19 thì rất không ổn. Mấy ngày gần đây, tôi và rất nhiều người bạn của mình, theo lời kêu gọi hỗ trợ cho việc chống dịch, đã không ngần ngại ủng hộ một chút đóng góp nhỏ nhoi của mình qua tài khoản của Mặt trận Tổ quốc.
Nhưng dù vậy, việc huy động nguồn lực trong dân cũng chỉ nằm trong phạm vi giới hạn. Mặt khác, chúng ta vẫn đang phải "thắt lưng, buộc bụng", tiết kiệm chi tiêu, đầu tư bằng ngân sách phải cân nhắc, thận trọng ngay cả với những gói cơ bản nhất. Do đó, nếu cứ tiếp tục chi những khoản tiền mà chưa tiên liệu trước diễn biến tiếp theo như thế nào, quả thực khá mạo hiểm.
Tôi nhớ, trong cuốn "The world is curved" (Thế giới cong), tác giả David M. Smick đã cho rằng"Chúng ta không thể nhìn qua đường chân trời...chúng ta không thể nhìn thấy gì ở phía trước. Chúng ta luôn bị bất ngờ...".
David M. Smick nhìn thế giới không phẳng từ góc nhìn kinh tế. Theo đó, ngay cả những nền tài chính rất mạnh cũng "phải đối mặt với một mức độ nguy hiểm tiềm tàng như thế nào để tự cứu sống mình".
Còn Việt Nam chúng ta vốn chưa phải là nền kinh tế mạnh, nếu không nói là vẫn còn nhiều khó khăn. Và trận đại dịch này chính là một mối nguy hiểm tiềm tàng mà chúng ta chưa thể nhìn thấy ở phía trước là như thế nào.Theo dự báo, dịch Corona virus sẽ còn kéo dài, khả năng khống chế, dập dịch vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách.
Các giải pháp đóng cửa các trung tâm giải trí, trường học, những nơi tụ tập đông người được coi là hữu hiệu trong giai đoạn đầu. Nhưng liệu có hợp lý về lâu dài? Khối kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán vặt sẽ duy trì được bao lâu? Tôi e rằng những ngoại ứng tiêu cực về việc này sẽ không nhỏ. Do vậy, có lẽ đã đến lúc cân nhắc việc: Nhà nước có nên tiếp tục miễn toàn bộ chi phí cho những người cách ly và chữa bệnh liên quan đến dịch bệnh Covid 19?
Theo thiển ý của tôi, những người từ nước ngoài về và đang phải cách ly, có lẽ họ sẵn sàng chia sẻ với Nhà nước, với cộng đồng. Về phía chính quyền, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, cũng cần yêu cầu có sự cam kết từ những người nhập cảnh về sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Cam kết về sự chia sẻ trách nhiệm tài chính. Để chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch mà cả Nhà nước và người dân, không ai phải chịu gánh nặng một mình.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
TS. Nguyễn Thị Hường
(Học viện Hành chính Quốc gia)