Người đầu tiên Clare Liu nghĩ đến khi nghe về lệnh cấm WeChat của Tổng thống Trump là cha mẹ mình. "Đây là ứng dụng chính tôi dùng để trò chuyện với cha mẹ mình ở Trung Quốc. Giờ tôi phải nghĩ cách khác để liên lạc với họ", Liu, 26 tuổi, một chuyên gia tài chính sống ở New York lo ngại. Cô đã dùng thử Skype nhưng cảm thấy ứng dụng này không thuận tiện.
Liu là một trong số nhiều người Trung Quốc sống ở Mỹ đang hoang mang về sắc lệnh mới của ông chủ Nhà trắng. Họ có 45 ngày để tìm kiếm ứng dụng thay thế WeChat trong việc giữ liên lạc với người thân ở quê nhà.
Ngày 6/8, Trump ký sắc lệnh cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok, WeChat sau 45 ngày nữa. Lệnh cấm này đang khiến người Mỹ gốc Trung Quốc và người Trung Quốc sinh sống ở Mỹ rơi vào tình thế khó xử.
WeChat không có lượng người dùng lớn như TikTok, trong số 279 triệu lượt tải xuống ở nước ngoài, chỉ có dưới 7% từ Mỹ trong vòng 6 năm qua. Tuy nhiên, ứng dụng này được xem là công cụ thiết yếu trong việc trao đổi thông tin, làm ăn của nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài.
"Siêu ứng dụng" này có thể được sử dụng cho những chức năng thiết yếu, như nhắn tin, gọi điện, gọi video, cập nhật trạng thái, thanh toán cho việc đi lại, chơi game, mua sắm, cập nhật tin tức, hẹn hò và hơn thế nữa. WeChat cho phép người dùng tương tác với nhau theo nhiều cách chứ không đơn giản là trò chuyện, điều này khiến ứng dụng gần như không thể thay thế.
"Rất nhiều trò chơi ở Trung Quốc kết nối với WeChat và nhiều người bạn của tôi ở Mỹ dùng nó để chơi game với bạn bè ở đại lục", Liu nói. Nếu WeChat bị cấm, những người này sẽ không thể chơi và họ sẽ mất hết thành tích trong game.
Mike Cai, 29 tuổi, chuyên gia công nghệ sống ở California, nhấn mạnh lệnh cấm WeChat có thể làm mất đi một phần sinh hoạt quan trọng trong đời sống của người gốc Trung Quốc. "Trong thời kỳ đại dịch, toàn bộ đời sống xã hội của tôi đều dựa trên WeChat", Cai nói. Nếu WeChat bị cấm, những người đã quen với ứng dụng này phải tìm kiếm một mạng xã hội mới và bắt đầu kết nối lại các mối liên hệ, điều này tốn rất nhiều thời gian và công sức. "Nhiều bạn bè của tôi ở Trung Quốc không sử dụng các ứng dụng của Mỹ, nên sẽ rất khó thiết lập lại mạng lưới quan hệ trên một ứng dụng khác", Cai nói.
Theo các chuyên gia pháp lý, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra giải thích rõ ràng về định nghĩa "giao dịch" trong lệnh cấm. Trong vòng 45 ngày kể từ khi sắc lệnh được ký, Bộ trưởng Thương mại sẽ làm rõ khái niệm này. Trước đó vẫn chưa có thông tin rõ ràng rằng việc tải xuống hoặc sử dụng ứng dụng có bị cấm hay không.
Một số người lạc quan cho rằng phương thức kết nối truyền thống của họ có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Một phụ nữ Trung Quốc sống ở New York cho rằng lệnh cấm sẽ không quá ảnh hưởng đến cô nếu mục tiêu chính là các vấn đề về tài chính, kinh tế. "Tôi thấy rất nhiều bạn bè đăng trên WeChat rằng họ đang chuyển đổi ứng dụng vì WeChat không thể sử dụng vào đêm qua. Có vẻ sau lệnh cấm, chúng tôi vẫn có thể trò chuyện với gia đình, bạn bè bằng cách khác", người này nói.
Chính quyền Mỹ đang mở rộng phạm vi đàn áp với các công ty công nghệ Trung Quốc. Tổng thống Trump cáo buộc WeChat là công cụ để chính quyền Bắc Kinh do thám Mỹ và "theo dõi người Trung Quốc đang sống ở Mỹ".
Dù WeChat có còn được sử dụng để liên lạc hay không, lệnh cấm của Trump cũng khiến cộng đồng người Trung Quốc ở Mỹ thất vọng và phẫn nộ. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, họ còn phải đối mặt với vấn nạn bị kỳ thị đang ngày một gia tăng.
"Tôi nghĩ Trump đang cố gắng tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh của các công ty Mỹ như Microsoft, Google và Apple", Liu từ New York nói. Những người khác chỉ ra rằng thiệt hại và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang vượt ngoài tầm kiểm soát. "Căng thẳng thương mại là vấn đề của hai nước, nhưng Trump lại đang trừng phạt dân thường bằng lệnh cấm WeChat, TikTok", Mike Cai nói đó là một chiến lược vô nghĩa.
Kim Cương (theo NikKei)