Nhiều người trên thế giới chưa từng nghe nói về WeChat. Một số nghĩ đó chỉ là một dịch vụ nhắn tin phổ biến, giống WhatsApp hoặc Facebook. Nhưng đối với hầu hết người dân Trung Quốc, WeChat không chỉ là một ứng dụng di động mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
WeChat và Tencent
WeChat, hay Weixin, được tạo ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Dự án của Tencent ở Quảng Châu vào tháng 10/2010. Kể từ đó, nó đã phát triển thành ứng dụng di động phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Trên nền tảng này, họ trò chuyện, chơi game, mua sắm, đọc tin tức, trả tiền cho bữa ăn và đăng các suy nghĩ cũng như hình ảnh của mình. Thậm chí, giờ đây người dùng có thể đặt hẹn với bác sĩ hoặc nộp đơn ly dị trực tuyến thông qua WeChat.
Ứng dụng di động 7 năm tuổi này cũng đặt nền móng cho sự tăng trưởng vượt bậc của Tencent, công ty công nghệ đứng sau có trụ sở tại Thâm Quyến, biến Tencent thành một trong những công ty có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu. Kể từ khi WeChat ra mắt chính thức vào tháng 1/2011, vốn hóa thị trường của Tencent đã tăng hơn mười lần.
Thời gian gần đây, giá cổ phiếu của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng do báo cáo doanh thu giảm sút, một phần bởi việc công ty tập trung vào đầu tư thay vì phát triển sản phẩm khiến lượng người dùng giảm mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế ngay cả Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đang ở trong tình trạng tương tự.
Theo SCMP, khác với Facebook, tiềm năng của WeChat vẫn chưa thực sự được khai phá bởi Tencent vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc kiếm tiền từ cơ sở người dùng.
Còn theo chia sẻ của James Gordon Mitchell, Giám đốc chiến lược của Tencent, trong một hội nghị diễn ra hồi tháng 5, hiện công ty cho phép tối đa hai quảng cáo xuất hiện mỗi ngày trên nền tảng này. Ông nói rằng điều này là "cực kỳ bảo thủ" so với các nền tảng xã hội khác trên thế giới.
"Chỉ cần cải thiện khả năng quảng cáo nhắm mục tiêu, mở rộng khoảng không và triển khai các định dạng quảng cáo mới, Tencent sẽ thu được rất nhiều lợi nhuận", nhà phân tích Karen Chan của tập đoàn tài chính Jefferies nhận định.
Các nhà phân tích khác cũng lạc quan về triển vọng của WeChat.
"Số người dùng vẫn chưa đạt mức trần nhưng tôi nghĩ rằng thời điểm đó sẽ sớm đến", Matthew Brennan, Giám đốc điều hành kênh tư vấn độc lập China Channel cho biết. "Nhưng họ vẫn còn rất nhiều chỗ để phát triển quảng cáo, như với các chương trình nhỏ".
Các chương trình nhỏ ở đây là các ứng dụng có dung lượng nhỏ hơn 10 Megabyte, có thể chạy ngay lập tức trên giao diện của ứng dụng chính. Chúng làm tăng tốc độ truy cập cho người dùng vì các chương trình này không cần phải tải xuống từ cửa hàng ứng dụng. Sự đổi mới này cho phép các nền tảng lưu trữ nhiều dịch vụ hơn, biến chúng thành "siêu ứng dụng", mang lại sự tiện lợi hơn với mục đích nhằm giữ chân người dùng trong hệ sinh thái WeChat, nhất là trong thời điểm các ứng dụng video ngắn đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong tháng 6/2018, tỷ lệ thời gian dành cho ứng dụng nhắn tin giữa người dùng di động giảm từ 36% xuống 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái Trong khi đó thời gian dành cho các ứng dụng video ngắn tăng từ 2% lên 8,8%, theo số liệu của QuestMobile.
WeChat được tạo ra như thế nào?
Quay trở về quá khứ, khi QQ, dịch vụ nhắn tin hàng đầu của Tencent, chiếm ưu thế trong lĩnh vực truyền thông xã hội ở Trung Quốc, người sáng lập kiêm CEO Tencent -Mã Hóa Đằng - đã không ngủ quên trên đỉnh vinh quang. Trong năm 2010, khi iPhone của Apple dẫn đầu thị trường di động, ông đã phát hiện ra sự thay đổi không thể tránh khỏi của thời đại, khi lưu lượng truy cập dịch chuyển từ máy tính sang điện thoại di động. Vị giám đốc điều hành này biết rằng điện thoại di động sẽ là chìa khóa cho tương lai.
Cũng trong năm đó, Allen Zhang, người đứng đầu bộ phận Mail Mobile của QQ, đã lãnh đạo một nhóm chưa đầy 10 thành viên phát triển phiên bản đầu tiên của WeChat trong vòng chưa đầy 70 ngày. Đây giống như một cuộc thi nội bộ bởi có hai đội khác cũng đang thực hiện một dự án tương tự. Zhang gia nhập Tencent vào năm 2005 khi doanh nghiệp Foxmail của anh được công ty mua lại. Anh cũng trở thành người đứng đầu QQ Mail Mobile.
Phiên bản đầu tiên của WeChat chỉ cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản và ảnh. Khi ra mắt, nó nhận được rất ít phản hồi từ thị trường. Một phần bởi khi đó các ứng dụng khác có chức năng tương tự như Feixin của China Mobile và MiTalk Messenger của Xiaomi từng xuất hiện.
"Nó không thể gửi một tin nhắn ngắn đến số điện thoại của ai đó (như Feixin). Nó không có chức năng của QQ. Ý nghĩa tồn tại của ứng dụng này là gì?", một người dùng đã viết như vậy trong phần nhận xét trên cửa hàng ứng dụng iOS cách đây bảy năm sau khi xếp hạng WeChat một sao.
Bước ngoặt của WeChat đến vào tháng 5/2011 khi nó được cập nhật tính năng nhắn tin bằng giọng nói. Gần như ngay lập tức, lượng người dùng hằng ngày tăng từ 10.000 lên đến 60.000.
"Tính năng nhắn tin bằng giọng nói đã đưa các doanh nhân cao cấp, những người không quen với việc gõ phím trên smartphone trở thành người dùng WeChat", ông Mã nói trong một bài phát biểu năm 2016.
WeChat sau đó đã phát triển nhanh chóng, bao gồm các chức năng mới như "Lắc" để kết nối với người dùng ngẫu nhiên cũng đang lắc điện thoại cùng thời điểm đó. "Tin nhắn trong chai" cho phép gửi tin nhắn tới người dùng ngẫu nhiên. Vào tháng 7/2011, ứng dụng này thêm tính năng "Người lân cận", cho phép người dùng kết nối với người lạ ở gần họ. Theo lời của Zhang, đây là thứ đã "thay đổi cuộc chơi" và đẩy mức tăng trưởng người dùng hàng ngày lên 100.000.
"Tính năng 'lắc' và 'tin nhắn trong chai' cũng như 'người lân cận' đã được tạo ra vào đúng thời điểm, kết nối mọi người với nhau", Lu Shushen, một cựu nhân viên WeChat từng chia sẻ trên mạng xã hội.
Sự thống trị của WeChat
Vào tháng 3/2012, WeChat có hơn 100 triệu tài khoản người dùng đã đăng ký, chỉ sau 433 ngày kể từ khi ra mắt. Lượng người dùng WeChat phát triển song song với sự phát triển của thị trường điện thoại thông minh tại Trung Quốc. Trong năm 2010, khi WeChat vẫn là một dự án nghiên cứu, chỉ có 36,1 triệu chiếc smartphone được bán ra ở nước này. Con số này đã tăng lên 90,6 triệu trong năm 2011, khi WeChat chính thức ra mắt và đã tăng vọt lên 214,2 triệu vào năm 2012.
Sự phát triển ngày càng nhanh của WeChat đã giúp nó dần bỏ lại các đối thủ cạnh tranh ngày nào. Feixin, sau đó cũng miễn cưỡng mở dịch vụ cho phép nhắn tin tới người dùng khác mạng. Còn MiTalk phải vật lộn để cung cấp trải nghiệm ổn định cho người dùng.
WhatsApp, đối thủ lớn nhất ở nước ngoài của WeChat hiện này, cũng từng có mặt tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm đó. Nhưng đáng tiếc nó đã tự bỏ lỡ cơ hội khi không có bất cứ động thái nội địa hóa hoặc quảng bá nào trên thị trường. Tháng 9/2017, trước kỳ Đại hội Đảng Cộng sản, ứng dụng này đã bị chính quyền Trung Quốc cấm hoàn toàn.
Không chỉ là ứng dụng nhắn tin, WeChat cũng đã phát triển thành một mạng xã hội "lai", với việc giới thiệu tính năng cho người dùng chia sẻ các khoảnh khắc cá nhân. Tiếp đó là "Tài khoản chính thức" (Official Accounts) cho phép các nhà sản xuất, công ty game, các thương hiệu tự quảng bá và sản xuất nội dung.
Năm 2013, WeChat đã thêm chức năng thanh toán tuy nhiên thời gian đầu nó chỉ giới hạn cho việc thanh toán khi mua các vật phẩm ảo trong game trên điện thoại di động. Nhưng khi Official Accounts được thêm vào, ban quản lý của Tencent hy vọng rằng điều này sẽ biến WeChat thành một nền tảng dịch vụ đa chức năng. Ngày nay, người dùng có thể mua sản phẩm, đặt bữa ăn hoặc hẹn gặp bác sĩ... thông qua ứng dụng này. Tuy nhiên, trên thực tế tính năng WeChat Pay có một khởi đầu tương đối chậm chạp. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 2014.
Trước Tết Nguyên đán năm đó, đồng sáng lập Tencent, Tony Zhang đã chỉ định một thành viên trong nhóm phát triển WeChat tìm cách thay đổi cách công ty phát lì xì cho nhân viên. Kết quả, WeChat Red ra đời và trở thành phương thức gửi tiền "ảo" cho bạn bè vô cùng phổ biến của người dùng.
Chỉ trong đợt nghỉ Tết 2014, hơn 8 triệu người Trung Quốc đã trao nhận hơn 40 triệu bao "lì xì". Người dùng bắt đầu liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử di động trên WeChat của họ. Điều này đã giúp WeChat có thể bắt đầu cạnh tranh với Alipay, dịch vụ thanh toán di động do Alibaba phát triển. Vào đêm giao thừa năm 2018, 688 triệu người đã sử dụng dịch vụ mừng tuổi của WeChat.
Trên thực tế, đây là một minh chứng cho sự thành công của các "chương trình nhỏ" trên WeChat. Bằng cách cho phép các tính năng nhỏ hoạt động trong hệ sinh thái mà không cần tải xuống ứng dụng bên ngoài, các chương trình nhỏ này sẽ thúc đẩy lòng trung thành hoặc sự gắn bó của người dùng với ứng dụng.
"Chúng tôi xem các chương trình nhỏ như một sự cải tiến của hệ thống Official Accounts, được thiết kế để kết nối các nhà cung cấp dịch vụ ngoại tuyến với người dùng trực tuyến", Martin Lau, chủ tịch của Tencent cho biết hồi năm 2017.
Khái niệm về các chương trình nhỏ đã không được chú ý một cách toàn diện cho tới tháng 1/2018, khi Tiao Yi Tiao (tạm dịch là "nhảy và nhảy"), một trò chơi đã thu hút 100 triệu người dùng tham gia mỗi ngày.
Đến quý II năm 2018, số lượng các chương trình nhỏ của WeChat đã đạt đến con số một triệu và lượng người dùng trải nghiệm các chương trình này đã vượt qua con số 600 triệu vào tháng 6.
"Sáng kiến chương trình nhỏ đang mở ra nhiều cánh cửa cho Tencent", chuyên gia phân tích Brennan của China Channel cho biết. "Kiếm tiền từ quảng cáo, thanh toán và bằng cách nuôi dưỡng cũng như thúc đẩy sự phát triển của nhiều doanh nghiệp khác nhau trong hệ sinh thái thương mại điện tử của mình".