Huawei đã công bố ngày ra mắt HarmonyOS, nhưng không tiết lộ các sản phẩm hỗ trợ nền tảng mới. Hãng cũng không đề cập đến cách thức triển khai cho các smartphone đang có mặt trên thị trường, nhưng kỳ vọng sẽ đạt 300 triệu thiết bị cài đặt HarmonyOS, trong đó 200 triệu là thiết bị của Huawei, còn lại là của các đối tác.
Trên các mạng xã hội Trung Quốc như Sina, Weibo, Douyin (phiên bản TikTok cho thị trường nội địa), nhiều người thể hiện sự vui mừng với thông tin Huawei ra nền tảng mới. "Vậy là HarmonyOS cuối cùng cũng có bản chính thức. Tôi đang dùng hai chiếc điện thoại Huawei và đang hồi hộp chờ trải nghiệm", tài khoản tên Huang viết trên Weibo. "Huawei sẽ tự chủ và phát triển trở lại mảng smartphone với HarmonyOS, không còn phụ thuộc công nghệ Mỹ. HarmonyOS sẽ sớm trở thành nền tảng phổ biến trên thế giới", một người dùng Sina tên Chen Qiaoen bình luận.
Thực tế, trước khi ra mắt chính thức, Huawei đã cho triển khai bản dùng thử hoàn thiện của HarmonyOS, mới nhất là phiên bản HarmonyOS 2.0 Beta 3. Làn sóng chia sẻ trải nghiệm nền tảng mới cũng lan tỏa mạnh mẽ.
"Cảm nhận rõ nhất của tôi là chiếc Mate X2 hoạt động mượt mà và ổn định hơn hẳn với bản beta HarmonyOS, tốt hơn phiên bản EMUI 11 đang dùng trước đó. Hệ điều hành này cũng tiết kiệm pin hơn, khả năng tùy chỉnh cao hơn", một blogger Trung Quốc chia sẻ. Anh này cũng khẳng định "hệ thống HarmonyOS thực sự tốt hơn hẳn Android".
Một người dùng khác nhận xét nhạc chuông trên HarmonyOS "mang lại trải nghiệm thính giác khác biệt" so với bất kỳ nền tảng di động nào hiện nay. Người này cũng dành lời khen cho khả năng tùy biến nhạc chuông trên nền tảng mới.
Một số người dùng thử HarmonyOS sau đó làm video so sánh với iOS và các smartphone Android khác rồi đăng lên mạng xã hội. Các lời khen dành cho nền tảng Huawei đa phần nhắc đến cảm giác khi trải nghiệm, như khả năng xử lý hình ảnh tốt, tốc độ khởi động ứng dụng nhanh, giao diện người dùng dễ sử dụng hơn. Thậm chí, có người còn cho rằng nếu phiên bản HarmonyOS chính thức ra mắt, Android sẽ "sớm bị đào thải".
Tuy vậy, không phải ai cũng khen HarmonyOS. Một số lập trình viên đã phân tích nền tảng mới nhất của Huawei và phát hiện rằng đằng sau nó vẫn còn rất nhiều chi tiết "thừa hưởng" Android của Google, gồm cấu trúc hệ thống hay tệp hỗ trợ ứng dụng. Thậm chí, bộ công cụ phát triển SDK của HarmonyOS cũng dùng lại nhiều thành phần của Android.
Một blogger cố gắng chứng minh HarmonyOS là nền tảng "núp bóng" Android. Ban đầu, người này dùng chiếc Mate 40 Pro+ đã cài sẵn các ứng dụng Google dưới dạng file *.apk, gồm Google Play Store, sau đó nâng cấp HarmonyOS 2.0 Beta 3 mới nhất. Sau khi cập nhật, các ứng dụng Google vẫn sử dụng bình thường, thậm chí Google Play Store có thể dùng để tải ứng dụng trên cửa hàng như một smartphone Android thực thụ. "Dường như HarmonyOS chỉ là một phiên bản tùy biến của Android, chứ không phải nền tảng hoàn toàn mới", blogger này nhận xét.
HarmonyOS là một trong những nỗ lực của Huawei nhằm thoát khỏi sự ảnh hưởng của các lệnh cấm dùng công nghệ Mỹ vào tháng 5/2019 ở mảng di động. Tuy nhiên, theo Reuters, hệ điều hành mới sẽ chỉ giúp Huawei giảm tác động của các lệnh trừng phạt đối với mảng smartphone, chưa thể giúp công ty thoát hoàn toàn công nghệ Mỹ, nhất là ở mảng thiết kế chip và linh kiện bán dẫn.
Huawei từng vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới vào quý II/2020. Tuy nhiên, hiện công ty đã "bay" khỏi top 5.
Công ty đang dần chuyển sang các lĩnh vực khác như ôtô điện. CEO Huawei Nhậm Chính Phi gần đây cũng kêu gọi nhân viên "dám dẫn đầu thế giới" ở lĩnh vực phần mềm.
Như Phúc tổng hợp