Đầu óc Zhu trống rỗng. Mọi thứ xảy ra quá nhanh chóng. Nước tràn từ ngoài đường vào nhà và dâng đến cổ trong thoáng chốc, khiến Zhu phải tìm cách sống sót.
"Tôi nhanh chân đứng lên trên một chiếc tủ, sau đó bước lên dàn loa vì chưa đủ cao. Nhưng như thế vẫn chưa được, nên tôi bơi đi lấy thang và tìm một cái chăn để giữ ấm", Zhu kể lại trận lũ tháng trước tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Zhu đã cố gắng gọi người tới giúp, nhưng tín hiệu điện thoại khá chập chờn. Cơn mệt mỏi kéo đến khi Zhu phải cố hết sức giữ thăng bằng chiếc thang giữa dòng nước lũ. Anh suýt ngã vài lần và chân ngâm trong nước suốt đêm. "Tôi không thể suy nghĩ bất cứ điều gì. Mọi thứ ập đến quá nhanh và đột ngột", Zhu cho hay, nhưng nói thêm rằng anh không sợ hãi.
Nhà của Zhu thuộc khu Nhị Thất ở trung tâm Trịnh Châu, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ trận lũ. Sau khi nước rút, mọi tài sản trong nhà Zhu đều ngấm nước và hư hỏng, bùn ngập khắp nơi. "Trước thảm họa thiên nhiên mà con người không thể kiểm soát được, tài sản không còn quan trọng nữa. Đầu tiên là bạn phải bảo toàn tính mạng", Zhu nói.
Những trận mưa lớn đã biến con phố chính tại Nhị Thất thành sông, xe cộ lật ngược. Hàng đống mảnh vỡ bị cuốn theo dòng nước vương vãi khắp nơi. Dưới ánh nắng, mùi rác và nước đọng bốc lên nồng nặc. Nhưng bất chấp những khó khăn và mất mát to lớn, Zhu và nhiều người khác cho rằng bản thân vẫn may mắn.
Chính quyền tỉnh Hà Nam hôm 2/8 cho biết 302 người đã thiệt mạng trong trận lũ được ví là "đại hồng thủy nghìn năm có một" vào ngày 20/7, trong đó Trịnh Châu ghi nhận 292 người chết. 50 người vẫn mất tích trên toàn tỉnh. Thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính khoảng 18 tỷ USD, hơn 580.000 hecta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
"Không ai ngờ mọi thứ sẽ trở thành thảm họa. Giống như những người khác, tôi từng nghĩ đó chỉ là trận mưa lớn và trời tạnh thì sẽ ổn thôi", một phụ nữ 30 tuổi họ Trương cho hay, trong lúc đến đặt hoa và cầu nguyện tại khu vực bên ngoài một ga tàu điện ngầm. 39 người đã thiệt mạng trong toa tàu điện ngầm và các hầm để xe khi mực nước dâng cao.
Không chỉ thành phố Trịnh Châu, trận lũ kinh hoàng còn khiến người dân tại nhiều nơi khác thuộc tỉnh Hà Nam điêu đứng. Hoa màu ở một số khu vực bị ngập úng hoàn toàn. Những vùng đất nông nghiệp rộng lớn biến thành hồ nước tràn ngập xác gia súc.
Sinh kế của Hou Xiurong, người phụ nữ 45 tuổi đã dành cả đời làm nông nghiệp, giờ đây trở nên bất định. "Chỗ nào cũng ngập, mực nước trong nhà tôi dâng cao đến cổ. Tôi chẳng còn gì nữa", cô nghẹn ngào.
Hou sống tại một ngôi làng ở Vệ Huy, cách Trịnh Châu khoảng 100 km về phía bắc. Đây là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực. Hou ước tính cô sẽ bị thiệt hại khoảng 4.600 USD thu nhập trong vụ mùa này, bởi số ngô đang trồng đã bị quét sạch hoàn toàn. "Chúng tôi không thể trồng bất cứ thứ gì trong vụ này nữa. Nước lụt tràn vào và không thể rút ra được", cô cho hay.
Một số nông dân đang cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách liên tục bơm nước khỏi khu canh tác. Tuy nhiên, Liu Kaidong, người bán rau ven đường tại thành phố Tân Hương, cho rằng chẳng còn hy vọng gì. "Chúng tôi không để tâm đến đất đai lắm, miễn là mọi người an toàn", người đàn ông 52 tuổi nói.
Hà Nam là nguồn cung cấp quan trọng một số nông sản như ngô, lúa mì và rau, nên tình trạng mất mùa tại đây cũng làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nguồn thực phẩm của Trung Quốc. Tỉnh này năm ngoái sản xuất hơn 1/10 lượng ngũ cốc của cả nước. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc trấn an rằng tác động của lũ lụt đối với sản xuất và cung ứng ngũ cốc sẽ tương đối hạn chế.
Liu, người trồng đậu và ớt, cho biết trận lũ đã phá hủy 80% vụ mùa của ông. Dù bầu trời đã quang đãng trở lại, Liu vẫn lo ngại nguy cơ mưa nhiều hơn, khi gia đình ông chỉ dựa vào nông nghiệp để kiếm sống. "Nếu trời đổ mưa thêm lần nữa, chúng tôi cảm giác sẽ không thể trở tay", Liu nói.
Theo ước tính, trận lũ đã ảnh hưởng tới gần 14 triệu người tại Hà Nam, bao gồm 1,4 triệu dân phải sơ tán. Trong số họ có Li Xiuli và mẹ chồng 90 tuổi của bà. Hai người phải ngồi trên những miếng xốp, sau đó được một hàng xóm cao lớn giúp đẩy ra chỗ thuyền cứu hộ.
Li và mẹ chồng được đưa từ Vệ Huy đến một trung tâm tái định cư mới mở cửa tại thành phố Tân Hương lân cận. "Dịch vụ ở đây khá tốt, các tình nguyện viên hỗ trợ rất tuyệt vời. Khi chúng tôi đến, họ đang giúp những người cao tuổi, cung cấp đồ ăn và thức uống. Chúng tôi cảm thấy rất yên lòng", người phụ nữ 50 tuổi cho hay.
Trung tâm tái định cư này là một trường mầm non, do hiệu trưởng Du Guanli phụ trách. Du từng thông báo với các phụ huynh rằng trường sẽ mở cửa trở lại, sau vài ngày phải ngừng hoạt động vì lũ lụt. Chỉ 10 phút sau, cô nhận được cuộc điện thoại từ một tình nguyện viên tại Vệ Huy nhờ giúp đỡ những người sơ tán.
"Tôi nghĩ điều này quan trọng hơn việc mở cửa lại trường mầm non. Mặc dù bây giờ họ không có nhà, chúng tôi hy vọng họ cảm thấy thoải mái khi ở lại ngôi trường. Chúng tôi sẽ chăm sóc tất cả", Du cho biết, nói thêm rằng nhiều người đã quyên góp để hỗ trợ dân sơ tán, bao gồm phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn quyết tâm bám trụ quê hương. "Tôi không thể rời đi. Đây là nhà của tôi, tôi không đi đâu cả", một người cao tuổi đứng giữa vùng nước ngập đến thắt lưng tại thị trấn Chiêm Thành cho biết, khi được một nhóm cứu hộ tiếp cận.
"Một số người đang sống trong cảnh thiếu điện và không có sóng điện thoại. Người bên trong không thể liên lạc với người bên ngoài. Chúng tôi chỉ có thể tuần tra qua lại. Vì nước ngập khắp nơi nên không thể cấp điện trở lại, sẽ rất nguy hiểm", Chen Qingqiang, trưởng nhóm cứu hộ, cho biết.
Trong khi đó, Li cảm thấy biết ơn vì được đưa đến trung tâm tái định cư, để có nơi ăn chốn ở, dù nhận thức được khó khăn to lớn sau này khi trở về nhà.
"Chắc chắn sẽ có tổn thất, nhưng không sao cả, miễn là nhà chưa sập. Ít nhất chúng tôi đã giữ được mạng sống", Li nói.
Ánh Ngọc (Theo CNA)