"Nước tràn đến nhanh lắm", bà Chen Shuying kể lại trận lụt lịch sử ngày 20/7 ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nhiều tiếng sau, nước mới bắt đầu rút. Đôi vợ chồng già và đứa cháu vẫn còn may mắn hơn nhiều người trong vùng. Ít nhất ba hàng xóm của bà Chen đã bị nước lũ cuốn trôi, đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Chính quyền tỉnh Hà Nam ngày 24/7 thống kê chính thức 58 người đã thiệt mạng và 5 người mất tích trong trận lũ "nghìn năm có một" ở Trịnh Châu và những vùng lân cận. Tổng thiệt hại vật chất ước tính ban đầu khoảng 12,7 tỷ USD.
Trận lũ ảnh hưởng đến hơn 5 triệu người, buộc khoảng 815.000 người sơ tán và đặt 1,1 triệu người vào diện cần tái định cư.
Yan Yichen, 12 tuổi, là một trong những cái tên xuất hiện trên danh sách tìm người thân mất tích được đăng ngày 23/7 trên báo địa phương. Lần cuối cùng gia đình ở Củng Nghĩa nhìn thấy cậu là vào ngày lũ ập đến. Đứa trẻ hiếu kỳ xin ra ngoài xem. "Nó mãi không về nữa", bà Cui Yuncai đau lòng kể lại về người cháu trai.
Theo người dân địa phương, vẫn còn nhiều trường hợp mất tích chưa được xác nhận ở khu ngoại ô Trịnh Châu, như ba người hàng xóm của bà Chen Shuying. Ngày 23/7, một số cư dân tháo chạy khỏi trấn Mễ Hà, xã Củng Nghĩa vẫn tập trung bên cao tốc ngóng chờ tin tức về người thân.
"Lúc chúng tôi nhận ra lũ đến thì đã quá muộn. Đây là lần đầu tiên tôi thấy lũ lớn đến vậy", một người đàn ông họ Zhang chia sẻ. Ông vẫn chưa tìm thấy cha và 4 họ hàng trong những ngày qua. Như nhiều người cùng trấn, Zhang hy vọng người thân còn kẹt trong vùng mất điện nên chưa thể liên lạc.
Liu Dan, người Trịnh Châu, nói cô cũng không có tin tức của từ chồng từ khi lũ tràn tới. Anh đi công tác ngoài thành phố vào chiều hôm đó.
"Đến 17h10 anh ấy còn nhắn tin hỏi thăm tình hình mẹ con tôi ra sao. Tôi trả lời mọi chuyện vẫn ổn nhưng sau đó không thấy hồi âm. Tôi cũng không gọi vào điện thoại của anh ấy được nữa. Chúng tôi chỉ biết đợi chờ", Liu nói, cho biết cô và hai con vẫn chưa từ bỏ hy vọng.
Một số vùng tại Hà Nam còn bị cô lập. Hàng chục làng và thị trấn trong khu vực mất điện, không có sóng điện thoại và nước lũ chưa rút hết.
Không ít người trong vùng gặp nạn phải cầu cứu qua mạng xã hội. Ngày 23/7, một tài khoản Weibo cho biết khoảng 100 người đang kẹt trong trường tiểu học ở Tân Hương, phía bắc Trịnh Châu, xung quanh bị nước lũ bao vây. Theo bài đăng, hơn một nửa số này là trẻ em và người già.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc xác nhận chính quyền địa phương đã cấp điện trở lại cho Trịnh Châu vào ngày 24/7 và dự kiến "cơ bản khôi phục" hệ thống nước sạch cho thành phố trong hôm sau. Dù vậy, nhiều đoạn cầu đường trong tỉnh Hà Nam vẫn còn tắc nghẽn bởi bùn lầy hoặc xe cộ hư hỏng. Một số tuyến đường sắt, cao tốc qua Trịnh Châu còn đóng cửa và giao thông hàng không chưa nối lại.
Chen Shuailin, 21 tuổi, sống trong làng gần Củng Nghĩa, kể rằng cả vùng đã mất điện từ 20/7 nên mọi người phải nấu nướng bằng gas và than đá. Xóm anh ở có ít nhất 4 người thiệt mạng khi lũ ập đến.
Củng Nghĩa được xem là nơi chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong đợt lũ vừa qua, với lượng mưa từ đêm 19 đến chiều 20/7 lên đến 609 mm. Trưởng phòng khí tượng địa phương còn bị lũ cuốn trôi vào ngày 20/7 nhưng may mắn được người dân cứu sống.
Liu Ruibin, phó bí thư thị trấn Mễ Hà, cho biết lực lượng cứu hộ đã mở được đường vào 12 ngôi làng trong vùng. Người dân dù vậy đang sống trong cảnh không điện, không nước và không có sóng điện thoại. Ông từ chối xác nhận thông tin trên mạng xã hội rằng vẫn còn nhiều trường hợp mất tích chưa được thống kê.
Tình hình lũ ở Hà Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau Trịnh Châu, thành phố Tân Hương và các làng lân cận đang bị đe dọa khi trời tiếp tục mưa và nước đã tràn bờ đê địa phương vào ngày 23/7.
Xinhua ngày 24/7 cho biết mực nước tràn vào nhà dân ở một số địa phương đã cao đến ngực. Một ngôi làng ngoại ô Tân Hương phải huy động toàn bộ dân cư dùng bao cát chặn lũ.
"Nước lũ tiếp tục dâng cao. Chúng tôi đã cố hết sức để ngăn nước tràn vào. Nếu tình hình này tiếp diễn, chúng tôi thật không biết phải làm sao, chỉ còn đường chờ người đến cứu", Meimei, một phụ nữ sống trong làng, cho biết.
Trung Nhân (Theo New York Times/SCMP)