
Sông Đồ Môn chia cách Trung Quốc và Triều Tiên. Ảnh: koryogroup
Một lính Triều Tiên tháng 12/2014 bắn chết 4 cư dân của Nam Bình, ngôi làng sát biên giới Triều Tiên có khoảng 300 dân thuộc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Làng nằm trong tầm nhìn của một căn cứ quân sự không tên của Triều Tiên. Khoảng 20 người dân ở Nam Bình đã bị người Triều Tiên sát hại trong những năm gần đây, một quan chức địa phương cho biết. Ông này không nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.
Biên giới Triều Tiên - Trung Quốc kéo dài từ sông Áp Lục ở phía tây qua núi Paektu và dọc theo sông Đồ Môn ở phía đông, nơi có làng Nam Bình. Đan Đông là thành phố lớn nhất ở phía biên giới Trung Quốc, và là con đường thông thương quan trọng nhất giữa hai nước. Hàng hóa hai bên đi qua con cầu Hữu nghị Trung - Triều.
Trong những tháng mùa đông, dòng sông Đồ Môn bên ngoài Nam Bình bị đóng băng. Người Triều Tiên có thể đi bộ qua nó, và nhiều lính Triều Tiên thường vào làng của Trung Quốc ở bên kia biên giới để tìm kiếm thực phẩm, giới chức địa phương Trung Quốc kể với Bloomberg.

Sông Đồ Môn ở biên giới Trung Quốc và Triều Tiên. Đồ họa: BBC
"Hàng rào dây thép gai ngăn cách Trung Quốc và Triều Tiên như thể không tồn tại, có một số quãng của con sông ngăn cách biên giới rất nông, bạn có thể chỉ bị ướt từ đầu gối xuống khi lội qua nó", Kang Dong Wan, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Dong-a ở Busan, Hàn Quốc nói. "Địa hình phức tạp của biên giới trải dài cũng tạo ra khó khăn đối với việc canh gác toàn diện".
Vụ tấn công nói trên không phải là duy nhất. Hồi tháng 9, một người Triều Tiên vào Nam Bình và đánh chết ba thành viên trong một gia đình để ăn cắp 500 nhân dân tệ (81 USD), Yong Weiliang, 34 tuổi, anh rể của một nạn nhân cho biết.
"Người Triều Tiên phạm tội sau đó bị biên phòng bắt ở biên giới", Yong nói. Chính quyền xã bồi thường cho mỗi nạn nhân vụ việc này 3.000 nhân dân tệ (484 USD), Yong kể thêm.
Bạo lực đang phản ánh sự tuyệt vọng ngày càng tăng của các binh sĩ, bao gồm lính biên phòng, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền ba năm trước.
"Ăn hối lộ được cho là một trong những nguồn thu nhập chính của lính biên phòng, nhưng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và thắt chặt kiểm soát, họ khó có thể tham nhũng, do vậy, họ 'bí quá làm liều' và phạm tội", giáo sư Kang phân tích.
Mất lòng nhau
Sau vụ giết hại 4 cư dân làng biên giới tháng trước, Trung Quốc trao công hàm phản đối Triều Tiên, cho thấy tình trạng gia tăng căng thẳng giữa hai nước đồng minh. Trong khi đó, ông Kim gần đây đề cập đến khả năng nối lại đàm phán với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo trẻ từng làm mất lòng Trung Quốc khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba năm 2013. Cũng trong năm đó, ông Kim ra lệnh xử tử chú rể mình, Jang Song Thaek, người có chủ trương thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Hình ảnh Google Earth chụp ngày 25/9/2014 cho thấy một cây cầu mới dự kiến khánh thành ngày 30/10 vẫn chưa hoàn thành. Phía đằng Trung Quốc đã xong, nhưng đầu cầu phía Triều Tiên nằm chỏng chơ giữa những cánh đồng và công trình xây dựng. Cây cầu dài 3 km bị trì hoãn không biết đến bao giờ hoàn thành, Global Times viết ngày 31/10.
Yan Xuetong, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, cho biết chương trình hạt nhân của Triều Tiên là trở ngại cho việc cải thiện mối quan hệ. "Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã không êm đẹp trong năm 2014 và dường như sẽ không phục hồi trong năm nay".
Phương Vũ (theo Bloomberg)