Theo AFP, nhiều người bỏ trốn khỏi Triều Tiên đã đổ xô đến xem bộ phim "The Interview" mang nội dung ám sát ông Kim Jong-un."Tất cả những người trốn khỏi Triều Tiên mà tôi biết đều đã xem bộ phim", Kim Sung-Min, người chạy trốn sang Hàn Quốc vào năm 1996, và hiện đang điều hành mạng lưới phát thanh Triều Tiên Tự do cho biết.
"Chúng tôi đã nói chuyện về bộ phim này rất nhiều trong tuần qua. Và chúng tôi thật sự không hiểu tại sao nó lại gây cười với người nước ngoài", ông nói thêm.
Đường dẫn Internet đến bộ phim này nhanh chóng được lưu truyền trong cộng đồng 20.000 người trốn khỏi Triều Tiên, sau khi Sony cuối tháng trước quyết định công chiếu bộ phim này, bất chấp đe dọa từ các tin tặc.
"Những người đào tẩu hiện đang sống ở Hàn Quốc đã giúp người dân Triều Tiên xem phim trực tuyến qua một dịch vụ truyền tin di động của Hàn Quốc, và chúng tôi đã nhận được một số phản ứng của họ", ông Kim nói với CBS Hàn Quốc. Một số ít người Triều Tiên được cho là có thể sử dụng dịch vụ viễn thông của Hàn Quốc thông qua điện thoại di động được nhập lậu qua Trung Quốc.
Theo ông Kim, nhiều khán giả Triều Tiên đã thất vọng về bộ phim này. "Một số khán giả Triều Tiên cảm thấy khó chịu khi ông Kim Jong-un bị nhạo báng và nền văn hóa Triều Tiên được miêu tả một cách rất không chính xác", ông nói. "Một số người đã hỏi chúng tôi liệu ông Kim Jong-un có thực sự bị chế giễu ở nước ngoài hay không", ông nói thêm.
Một số người có thể tức giận."Điều mà họ ấn tượng nhất sẽ là lãnh tụ tối cao của họ bị đem ra làm trò cười ở nước ngoài và Mỹ có thể ám sát ông. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực thần tượng hóa nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên", ông Park nói.
Ông Park, người đứng đầu một nhóm các nhà hoạt động thường xuyên cố gắng thả truyền đơn vào Triều Tiên, đang có kế hoạch thả bóng qua biên giới, mang theo khoảng 100.000 bản sao của bộ phim trên DVD và USB.
Tại một buổi chiếu phim gần đây của "The Interview" tại một quán bar ở Seoul, người xem cho biết bộ phim hài có tình tiết gây cười khá "thô", nhưng có thể là một công cụ bất ngờ, tác động đến bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng, nếu người Triều Tiên bí mật xem nó tại nhà của họ.
"Mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền là những điều họ nói với người dân bị coi nhẹ. Bộ phim thực sự làm được điều đó," Sokeel Park, giám đốc nghiên cứu một tổ chức từ thiện giúp đỡ người trốn khỏi Triều Tiên của Mỹ cho biết.
Nhưng điều đó không dễ gì xảy ra do thực tế, bộ phim không hợp với "gu" hài hước của người Triều Tiên, đồng thời, phim cũng bị các nhà phê bình đánh giá thấp.
"Nội dung không hài hước với chúng tôi vì người Triều Tiên không quen với phim hài," Lee Han-Byul, một trong 100 người đào tẩu tập trung ở quán bar cho biết sau khi xem phim.
"Không có phim hài ở Triều Tiên, và chúng tôi có gu hài hước khác", bà Lee nói thêm.
Một điều khiến bà đặc biệt không hài lòng là ngoại hình của Randall Park, diễn viên người Mỹ gốc Hàn đóng vai Kim Jong-un, không có nét tương đồng với nhà lãnh đạo trẻ.
"Diễn viên không hề giống ông Kim Jong-un", bà than phiền. "Ở Triều Tiên, diễn viên trong phim đều gần giống y như nhân vật họ đóng vai".
Ngay cả đối những người đã trốn sang Hàn Quốc nhiều năm cũng khó có thể xem lãnh đạo Kim Jong-un bị châm biếm."Bộ phim không hề hài hước", Park Sang-Hak, người đã trốn sang Hàn Quốc từ năm 1999 nói. "Đối với tôi, đó không phải là một bộ phim hài mà giống một quả bom hơn, do cách bộ phim chế giễu ông Kim Jong-un".
Phương Vũ (Theo AFP)