Bây giờ càng hiện đại thì càng hại điện, lớp con cháu trẻ bây giờ hoặc chúng làm biếng, hoặc chúng chẳng quan tâm đến họ hàng. Như hai đứa cháu con của anh trai tôi dù đã hai mươi, ba mươi tuổi nhưng từ khi từ thành phố về nhà nghỉ Tết, chúng chỉ ru rú suốt trong phòng. Đến giờ cơm mới chịu lăn xuống bếp.
Còn bình thường thì rúc trong phòng xem phim, lướt mạng. Chỉ cần có điện thoại, laptop và wifi không chập chờn, có lẽ suốt mùa Tết chẳng thấy mặt chúng đâu. Tôi là chú trong nhà, đến chơi chúng mới chịu khó ra thưa lễ.
>> Nỗi lo giới trẻ thờ ơ với hôn nhân vì gánh nặng kinh tế
Hay như câu chuyện ở công ty tôi có cô gái làm dâu đất bắc than rằng mùa Tết năm nay vì dịch nên đón Tết ở Sài Gòn là trong rủi có may. Vì mỗi lần về quê chồng là phải "làm quen" và thích nghi với rất nhiều thể loại bà con, họ hàng. Mỗi lần về là mỗi lần giới thiệu từng người, xong đâu lại quên đấy. Thậm chí, tôi biết rằng có một số bạn trẻ cố tình chặn luôn tài khoản mạng xã hội của họ hàng, anh em họ để khỏi thấy mặt nhau.
Thời của anh em tôi cách đây hai, ba chục năm - mỗi lần Tết đến, xuân về là rất háo hức vì ngoài được ăn ngon, mặc đẹp còn là đoàn tụ và gặp gỡ họ hàng. Từ giữa tháng Chạp trở đi, những gia đình của cô dì, chú bác đi làm ăn xa lần lượt về quê đón Tết.
Gặp và được người lớn lì xì là một niềm vui. Mỗi năm gặp một lần, các chú, các bác cứ xuýt xoa và "quở" rằng nay cao lớn thế. Một niềm vui khác là được gặp anh chị em họ con cô con cậu, gặp nhau là bày trò rồi cùng nhau chơi thật rộn rã. Sáng kéo qua nhà bác hai thì trưa dùng cơm ở nhà bác ba. Cảm giác họ hàng thân quen, máu chảy ruột mềm thấm sâu vào tâm hồn những đứa trẻ. Tính liên kết giữa những cá thể trong thân tộc mạnh và chặt chẽ hơn bây giờ nhiều.
Có lẽ có quá nhiều điều tạo nên hố sâu ngăn cách người trẻ và họ hàng. Nguyên nhân thứ nhất là áp lực mà họ hàng mang lại. Những câu hỏi "bao giờ lấy chồng", "chừng nào lấy vợ", "lương bao nhiêu" là những nhát cuốc đầu tiên tạo nên hố xa cách. Với những người thuộc lớp trước, đây là những câu hỏi mang tính chất xả giao và quan tâm, nhưng với những người trẻ bây giờ, đây là những câu hỏi mang tính soi mói và không tôn trọng riêng tư.
>> Vui vẻ với những câu hỏi riêng tư ngày Tết
Tiếp đến, so sánh sự thành công, ai kiếm nhiều tiền hơn, con ai xinh xắn hơn, học giỏi hơn trong những anh em họ vô hình trung cũng tạo nhiều áp lực. Điều này khiến giới trẻ cảm thấy bớt gặp những họ hàng là bớt đi những phiền não. Một nguyên nhân khác là phạm vi họ hàng, gia đình ngày càng bó hẹp dần lại trong mối quan hệ con chú bác, cô cậu là thân quen do mỗi gia đình đẻ ít con hơn.
Tôi nghĩ rằng tính liên kết họ hàng, thân tộc là một nét đẹp của người Việt. Nó nhắc nhở chúng ta về nguồn cội, về tổ tiên và những người thân thuộc. Vậy nên thay vì đào thêm những hố ngăn cách người trẻ và họ hàng thì rất cần những hành động lấp đầy những hố sâu đó lại. Điều này cần hành động từ cả hai phía. Người lớn bớt soi mói, quan tâm chuyện đời tư cá nhân của con cháu. Người trẻ thì nên bớt chúi mũi vào công nghệ, điện thoại mà nên cởi mở, giao tiếp với họ hàng.
Đừng để đến một ngày anh em họ hàng gặp nhau giữa đường mà ngoảnh mặt làm ngơ như chưa hề quen biết.
Thanh Việt
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.