Việc những người trẻ than thở về những thử thách trong cuộc sống của họ không có gì mới. Ở Mỹ, những lời than phiền này thường liên quan tới khoản tiền họ kiếm được so với giá cả thị trường. Khi đem so sánh thu nhập với những việc như mua nhà, sinh con, thì người trẻ bây giờ chỉ có "móm".
Những gì mà thế hệ trước cố gắng "dạy dỗ" các bạn trẻ chỉ khiến những người trẻ "tức điên". Có rất nhiều dòng tweet kiểu như: "Các bậc cao tuổi bảo chúng tôi nên tiết kiệm, bớt ăn uống để lấy tiền mua nhà. Một cốc cà phê Starbucks giá 5 USD, chúng tôi nhịn uống cà phê 50 năm sẽ được 91.250 USD. Một căn nhà giá trung bình ở Mỹ cỡ 500.000 USD, tiền trả trước cũng mất 100.000 USD, phải mượn nợ 400.000 USD. Nhịn cà phê chừng 50 năm thì chúng tôi cũng chả đủ tiền để đặt cọc mua nhà".
Cũng có những biếm họa vẽ cha mẹ của một người trẻ mắng con rằng: "Cha mẹ hồi trước bắt đầu bằng con số 0, sao con lại phàn nàn? Đứa con nói rằng, con ra đời đã phải gánh nợ đi học đại học, bây giờ con nợ 200,000 USD khi mới bước vào đời, vậy ai khổ hơn ai?".
Đó là tình trạng chung của người trẻ ở Mỹ. Việc mua nhà đã như vậy thì đừng nói gì tới việc có con. Tỷ lệ sinh ở Mỹ cũng đã giảm nhiều, hiện ở mức một người phụ nữ có 1,6 con.
Tuy vậy, giới trẻ ở Mỹ không nằm thẳng. Họ vẫn đi lại, làm việc và vẫn phải sống. Rất nhiều người phải làm những công việc không phù hợp với chuyên môn hay trình độ nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ khá thấp, ở mức 8,1% vào tháng 11/ 2023.
Nguyên nhân chính là bởi vì ở Mỹ mà nằm yên thì chỉ có chết. Theo truyền thống ở Mỹ thì cha mẹ không nuôi con đã trưởng thành, trừ khi là con đang đi học đại học.
Ở mặt khác, ở Mỹ trợ cấp thất nghiệp chỉ dành cho những người đã đi làm và bị thôi việc, và cũng chỉ được nhận trong 3 tháng. Nói cách khác, người Mỹ trưởng thành và chưa tới tuổi hưu mà không đi học thì phải làm việc thì mới có cái để sống.
Mặt khác thì người Mỹ không xem việc làm tay chân là một thất bại, cũng không chì chiết những ai phải đi làm việc tay chân trong khi có bằng cấp. Một phần là người Mỹ nhìn chung biết cách chấp nhận thất bại và sự kém cỏi hơn các nước Á châu rất nhiều.
Họ xem "thất bại" là một quá trình tạm thời, và miễn là bạn cố gắng làm việc thì thất bại sẽ trôi qua. Họ cũng không xem việc học hành là cách duy nhất để tiến tới thành công.
Cha mẹ cũng không xem con cái là một khoản đầu tư hay là cái sĩ diện của mình. Người Mỹ không quát mắng con cái rằng cha mẹ cho tiền con đi học để con về chạy xe Uber hay sao.
Việc học là việc của con, con mượn tiền hay cha mẹ cho tiền con đi học thì vẫn là chuyện của con, cha mẹ không có đầu tư nên không phải chì chiết khi cái khoản "đầu tư" không sinh lời như họ mong muốn.
Người trẻ châu Á khi lớn lên phải gánh rất nhiều kỳ vọng của cha mẹ. Các bậc cha mẹ cố gắng bằng mọi cách để "cho con những thứ tốt đẹp nhất". Người thì mua cho con những thứ đắt tiền, kẻ lại đầu tư mạnh tay vào sự nghiệp học hành của con. Nhưng ít ai làm những chuyện đó hoàn toàn vì yêu thương, họ làm những chuyện đó để mong muốn thỏa mãn cái tôi của họ. Đặc biệt nhất là cái tôi đó thường là những giấc mơ mà họ không làm nổi, nên họ muốn con mình làm.
Hậu quả sau cùng là động lực sống của nhiều người trẻ bị triệt tiêu. Những ai may mắn có được thành công, hay ít nhất là họ được cha mẹ cho là thành công, thì họ sẽ yên tâm và tiếp tục sống. Còn những ai xui xẻo không đạt được thành công như cha mẹ họ mong đợi thì họ không còn chút động lực nào. Những thứ này cộng với tình trạng thiếu việc làm khiến cho nhiều người trẻ không chen chân nổi vào những vị trí được cho là "thành công".
Kết quả sau cùng là những ông bố bà mẹ vẫn phải nuôi con đã trưởng thành. Điều buồn cười nhất là liệu các bậc cha mẹ đang nổi giận trước đứa con không chịu đi làm sẽ nghĩ gì nếu con mình đứng dậy và đi chạy bàn, quét rác, chạy Uber, làm giúp việc? Chắc là họ sẽ còn đau khổ hơn ấy chứ.
Cha mẹ Mỹ không đau khổ khi đứa con cử nhân thạc sĩ của mình đi làm công việc chân tay hay thu nhập thấp.
Thay vào đó thì họ kiên nhẫn khuyến khích con, miễn là con mình đừng vác mặt về ăn bám là tốt lắm rồi. Chính vì vậy mà nền kinh tế Mỹ luôn chuyển động, không ai bị gán mác là thất bại, ai cũng có thể từ từ mà đứng trên đôi chân của mình, dù là chân ngắn hay chân dài.
Ngay từ lúc 16 tuổi, người Mỹ đã bắt đầu đi làm đủ thứ việc tay chân. Lúc có bằng đại học thì ai cũng đã từng chạy bàn, chạy xe, gác cổng ở bãi giữ xe, tính tiền ở siêu thị, phụ việc đồng áng. Đến cả con của ông Obama cũng đi làm việc ở một quán ăn khi đủ 18 tuổi.
Họ đã quen với việc "thấp kém" đó. Sông có khúc, người có lúc, ai gặp phải "có lúc" thì họ lại trở về xuất phát điểm rồi từ từ đi tiếp, không việc gì phải khóc.
Nếu như các bậc cha mẹ châu Á học cách "không khóc" khi con mình "thất bại," thì người con của họ sẽ được lợi nhiều lắm.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.