Hàng chục cuộc họp bàn hai bên gia đình cũng thống nhất, cô Hu sẽ sinh hai con, đứa đầu mang họ chồng, con sau lấy họ mẹ. Sau khi sinh con thứ nhất, hai vợ chồng sẽ dọn về ở chung với ông bà nội. Đến khi sinh con thứ hai, họ chuyển về sống ở nhà ngoại.
"Duy trì một hoàn cảnh gia đình hòa thuận như thế này là điều tự nhiên. Bây giờ, mọi người đều chăm lo cho hai con của chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ chăm sóc cha mẹ khi họ về già", Hu, 31 tuổi nói. Hiện vợ chồng cô và hai con vẫn đang sống với ông bà ngoại ở Côn Sơn, một thành phố giáp Thượng Hải.
Kiểu quan hệ này được gọi là "hôn nhân hai đầu", đã tồn tại ở các tỉnh miền đông Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Zhao Chunlan, nhà xã hội học tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang cho rằng "hôn nhân hai đầu" là một sự "tiến hóa", chứ không phải là một cuộc cách mạng trong phong tục cưới hỏi truyền thống.
Sau một nghiên cứu thực địa ở Chiết Giang, Zhao nhận thấy "hôn nhân hai đầu" thực sự bắt đầu phổ biến từ năm 2000. Đối với các gia đình tại đây, sự sắp xếp này là phản ứng đối với một loạt các thay đổi xã hội, cụ thể là chính sách một con và nền kinh tế phát triển vượt bậc của Trung Quốc. "Kiểu hôn nhân này giải quyết một loạt vấn đề, từ truyền lại dòng họ trong gia đình một con, không muốn con gái rời khỏi gia đình và đảm bảo chăm sóc tuổi già", Zhao nói.
Kiểu hôn nhân này chiếm 70-80% trong số các cặp vợ chồng trẻ ở Giang Tô và Chiết Giang - những tỉnh giàu có ở Trung Quốc. Các gia đình sắp xếp các cuộc hôn nhân có xu hướng tương đối bình đẳng từ địa vị, tài chính. Zhao tin nó sẽ lan rộng sang các khu vực khác, nơi có nền kinh tế mạnh và cộng đồng cởi mở với hôn nhân.
Mặt tiến bộ của "hôn nhân hai đầu" là mang lại lợi ích thực sự cho người vợ, giúp họ có được vị thế bình đẳng trong các mối quan hệ và giữ được sự độc lập cao trong gia đình chồng. Với Hu, cô xuất thân trong gia đình sở hữu nhiều bất động sản ở Côn Sơn, Thượng Hải và Mỹ. Gia đình chồng cô cũng sở hữu một số cửa hàng, căn hộ và thậm chí một trung tâm mua sắm trong thành phố. Bản thân Hu là một chuyên gia tổ chức sự kiện với lịch trình dày đặc, nên sự hỗ trợ của bố mẹ hai bên đã trút bỏ hẳn gánh nặng chăm sóc con cái cho cô.
Đối với Hu, việc tách họ cho các con là chìa khóa để duy trì sự hòa hợp giữa hai gia đình và sự ổn định trong hôn nhân. Hu vẫn nhớ niềm vui của cha cô khi nghe chồng sắp cưới của Hu chuẩn bị "dâng" họ của một đứa trẻ cho gia đình mình. "Cuối cùng bố tôi cũng cảm thấy dòng họ Hu có người tiếp nối dòng dõi", cô nửa đùa nửa thật.
Hai gia đình đã bàn thảo việc này nhiều năm sau khi các con cưới. Khi Hu mang bầu con thứ hai năm 2017, bố cô đã kéo bố chồng sang một bên trong một bữa tiệc gia đình. "Nếu đứa thứ hai là con trai, chúng tôi có thể để cháu mang họ của gia đình ông và cháu gái lớn có thể đổi họ thành họ của chúng tôi", ông đề nghị.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp tranh cãi về quyền đặt tên có thể khiến hôn nhân tan vỡ. Wu, 35 tuổi đến từ Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang đã đệ đơn ly hôn vào cuối năm 2020. "Hôn nhân hai đầu" của cô với chồng cũ đã đổ vỡ nhiều năm trước và Wu tin những tranh chấp liên tục về họ của các con cô là lý do chính.
Vợ chồng cô từng là mối tình đầu của nhau thời đại học và quyết đinh kết hôn khi 25 tuổi. Gia đình chồng cũ ở phía Bắc Trung Quốc - nơi không có hình thức hôn nhân sòng phẳng này nhưng họ vẫn đồng ý. Lúc đó hai bên chỉ thống nhất mỗi đứa trẻ một họ và không chỉ định đứa trẻ nào sẽ lấy họ nào.
Khi Wu sinh con trai vào năm 2012, cha cô đã khẳng định bé sẽ mang họ Wu. Ban đầu, chồng cô đồng ý. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến người địa phương gia đình chồng bàn tán, nói anh đảo ngược phong tục truyền thống, hạ thấp giá trị đàn ông khi ở rể, giờ còn cho phép con trai mình lấy họ ngoại. Các đồng nghiệp và bác sĩ ở viện còn suy đoán có thể Wu không phải cha ruột đứa trẻ.
Chồng của Wu "đòi lại" họ mình, nhưng Wu không đồng ý. "Cha tôi đe dọa sẽ tự tử và cắt đứt quan hệ với tôi nếu tôi làm như vậy. Còn chồng tôi gây áp lực phải ly hôn", Wu nói.
Đối với Wu, họ chồng hay vợ chẳng có ý nghĩa. Nhưng bố cô - người có hai con gái - bị ám ảnh phải có một đứa cháu nối dõi tông đường và nhà chồng cũng tương tự. "Đàn ông quan tâm đến tên họ như chủ quyền quốc gia. Họ sẽ không bao giờ nhân nhượng", Wu nói.
Áp lực hai bên khiến cuộc hôn nhân sớm nở tối tàn. Họ ly thân năm 2013. Cuối năm ngoái, họ vội vã ly hôn để tránh phải đối mặt với luật "thời kỳ nguội lạnh" bắt buộc trước ly hôn mới của Trung Quốc. Wu được toàn quyền chăm sóc con mình với sự giúp đỡ của cha mẹ.
Phó giáo sư Shen Yifei, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đồng ý rằng xung đột về họ là không thể tránh khỏi. Chuyên gia xã hội học này quan niệm "hôn nhân hai đầu" không hề tiến bộ mà ngược lại còn thúc đẩy mối quan hệ không lành mạnh giữa cha mẹ và con cái, làm tổn hại đến mối quan hệ của chính vợ chồng.
"Cả hai nên trở thành một khối và độc lập hơn và ít phụ thuộc vào cha mẹ hơn. Đó mới là một khái niệm quan trọng đối với người trưởng thành", Shen nói.
Yang Huili, một luật sư ly hôn ở Chiết Giang cũng nhận ra "hôn nhân hai đầu" tan vỡ có thể dẫn đến nhiều rắc rối khi hai đứa trẻ bị chia cắt và nuôi dưỡng bởi ông bà mà chúng có chung họ. "Mặc dù quyền nuôi con thường được trao cho người phụ nữ, trên thực tế, mọi thứ thường diễn ra như trước khi chia ta", Yang nói.
Wu đang cố gắng tiếp tục cuộc sống sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhìn lại, Wu nhận ra để cha mẹ tham gia vào gia đình hạt nhân là "sai lầm chết người". Ngay từ đầu cuộc hôn nhân này đã không ổn vì quá tròn trịa. "Kiểu hôn nhân này giống như hợp tác kinh doanh, chỉ tồn tại vì lợi ích. Mọi thứ được phân chia rõ ràng, không bên nào mắc nợ bên kia", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)