Bài viết của nhà tâm lý học Kiểm Thư (Trung Quốc).
Cách đây không lâu, người bạn thân của tôi ly hôn. Cô và chồng cũ yêu nhau từ thời đại học, tưởng như không thể tách rời. Không ngờ họ đã ly thân một năm trước dù không hề cãi vã, tranh chấp tài chính và cũng chẳng mâu thuẫn. Mỗi người họ có nhịp sống riêng, quen im lặng và cũng quen có phòng riêng, ngủ riêng. Dần dần, họ trở thành người xa lạ.
Nhiều người nói, trước khi kết hôn, nên đến phòng sinh ở các bệnh viện, nơi đó sẽ chỉ rõ thế nào là hôn nhân hạnh phúc. Ở đó, bạn sẽ thấy sự ngọt ngào của hôn nhân và cũng có thể nhìn ra mặt xấu xa của một người.
Tôi có người bạn tên Tiểu Nhược quyết định ly hôn với chồng ngay sau khi sinh con. Hai đêm trước khi sinh, người này đau bụng liên tục, thể lực yếu nên con có nguy cơ sinh non rất cao. Tiểu Nhược đã yêu cầu cho sinh mổ, nhưng đổi lại chỉ là sự cáu gắt của chồng: "Những người khác có thể sinh thường, em cũng có thể làm được". Sản phụ này lặp lại yêu cầu thêm 2-3 lần, cuối cùng chồng cô nói: "Em có biết chi phí cho một ca sinh mổ là bao nhiêu không? Anh nghĩ em có thể chịu được, mọi việc rồi sẽ qua".
"Hóa ra là do sợ tốn tiền", cô thốt lên thất vọng sau lời nói của chồng. Trước sự van nài của mẹ đẻ, Tiểu Nhược đã được đẩy vào phòng mổ, may mắn mẹ tròn con vuông.
"Người sẵn sàng đồng hành, chăm sóc và nắm chặt tay vợ trước khi lên giường sinh mới là người đáng trân quý", Tiểu Nhược nói với chồng trước khi cầm bút ký vào đơn ly hôn, cũng là ngày con trai vừa tròn 1 tháng tuổi.
Không rời giường bệnh nửa bước, đó mới là lời thề non hẹn biển đáng quý nhất.
Có một câu nói luôn được coi là kinh điển: hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Tình yêu rất lãng mạn, bay bổng và đẹp, còn hôn nhân lại là những gì gắn với thực tế hằng ngày, lo toan trách nhiệm, cơm áo gạo tiền. Khi yêu, người ta như trong mơ. Nhưng trên đời này ai cũng phải sống với thực tại. Và thực tại đòi hỏi phải có sự hi sinh, dũng cảm và có trách nhiệm với những gì liên quan đến mỗi người.
Một người đàn ông ở Chiết Giang, Trung Quốc có tên Lưu Thế Việt năm nay 90 tuổi, là bác sĩ nha khoa về hưu. Mười hai năm trước, vợ ông bị tai nạn bất tỉnh và phải sống thực vật suốt phần đời còn lại. Tai họa giáng xuống khiến ông đau khổ một thời gian dài nhưng chưa bao giờ có ý định rời xa bà.
Suốt những năm qua, mỗi ngày ông Lưu đều nấu cho bà ba bữa cơm, vuốt tóc rồi hát cho vợ nghe, sau đó báo cáo công việc hàng ngày của mình dù bà không thể phản ứng. Hơn 4.000 ngày đêm, người đàn ông này tắm rửa, gội đầu, thay quần áo cho vợ. Dù nằm liệt giường lâu ngày nhưng vợ ông vẫn luôn có quần áo đẹp và rất thơm tho. Ông Lưu cũng có thói quen ghé sát tai vợ gọi tên bà, thủ thỉ lời yêu thương. Đôi khi khóe miệng bà khẽ nhúc nhích, nhưng cũng đủ khiến ông cảm thấy hạnh phúc cả ngày. "Chỉ mong có phép màu khiến vợ trở lại như xưa", ông nói ước mơ cuối đời của mình.
Câu chuyện của người đàn ông này khiến nhiều người xúc động, thậm chí có chút ghen tị. Theo người đàn ông này, những lời thề thốt của tình yêu có ở khắp mọi nơi, và điều đó chỉ thực sự có giá trị khi dùng cả phần đời còn lại của mình để thực hiện lời hứa ban đầu. "Dù già, dù nghèo, dù ốm đau chúng ta cũng sẽ luôn nắm tay nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn", ông nói.
Tiếng khóc trong nôi thử thách độ bền hôn nhân.
Trong cuộc sống vợ chồng, việc sinh con đẻ cái giống như một bước ngoặt lớn. Khi thế giới hai người trở thành một gia đình 3-4 người, chiếc cũi có thể trở thành biểu tượng của tình yêu và hôn nhân.
Tôi đọc được câu chuyện của một người phụ nữ chia sẻ trên trang hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu. Cô kể rằng, mình vừa mới sinh con, vì bé quấy khóc nhiều đêm nên vài ngày sau chồng dọn ra phòng trọ một mình. Có lần hai vợ chồng cãi nhau, người vợ nói: "Anh định trốn ở đó suốt đời à?" Không ngờ, người chồng đáp: "Không phải em đang nghỉ sinh hay sao? Dù sao anh cũng chẳng giúp được gì, sao cứ phải cần tới anh. Em ích kỷ vậy?" Người vợ nghe xong không nói nên lời.
Một người không chịu được tiếng khóc của trẻ thơ, làm sao có thể cùng bạn vượt qua chông gai, sóng gió của cuộc đời. Dù không muốn nhưng tôi cũng phải nói với người phụ nữ đó rằng: "Khác biệt của hai bạn quá lớn".
Khi có con, một số người sẽ rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì sự thờ ơ của nửa kia. Họ không thông cảm được cho sự vất vả của đối phương, không muốn cùng bạn đời trưởng thành trong sự vấp ngã để có một cuộc hôn nhân ngọt ngào đúng nghĩa. Xa rời chiếc nôi cũng chính là bạn đang xa rời chính cuộc hôn nhân của mình.
Hôn nhân đòi hỏi sự gần gũi về tâm lý và thể xác, nếu thiếu một trong hai thì khó duy trì. Hai người rất khác nhau, nói chuyện cùng nhau đã khó thì nghĩ gì đến việc chung sống. Cái kiểu không nói nên lời dưới cùng một mái nhà có lẽ là khoảng cách xa nhất trên thế giới.
Có nhiều người hỏi tôi: "Làm gì để hôn nhân được hạnh phúc?" Tôi nghĩ không có câu trả lời chung. Tuy nhiên, nếu hai người yêu nhau thì có một tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên, nếu gặp một người thích trò chuyện, thích gần gũi bạn, người có thể cười cùng bạn dưới lớp chăn bông, và có thể giúp bạn lau khô nước mắt thì hãy trân trọng người đó.
Vy Trang (Theo aboluowang)