Đám cưới vào mùa xuân năm 2016 của Sun Wenlin không giống bất kỳ đám cưới nào người Trung Quốc từng chứng kiến. Hai người đàn ông sánh bước bên nhau trong lễ phục màu tím, tuyên bố tình yêu và hứa sẽ bên nhau trọn đời.
Ở Trung Quốc - nơi hôn nhân đồng giới chưa được công nhận - những bức ảnh cưới của Sun Wenlin và Hu Mingliang đã khiến dư luận chia thành hai phe: hoan hô và chế nhạo. Nhưng nó cũng đánh dấu bước khởi đầu cho chiến dịch vận động hợp pháp hóa kết hôn đồng giới ở đất nước hơn một tỷ dân này.
"Chúng tôi muốn một đám cưới công khai để mọi người biết người đồng tính cũng có mong muốn kết hôn", Sun, 31 tuổi nói vào một buổi chiều tháng 2. Đám cưới của họ được tổ chức sau khi bị một tòa án ở Hồ Nam từ chối công nhận. Sau đó, cặp đôi này đệ đơn và trở thành vụ kiện hôn nhân đồng giới đầu tiên được một tòa án Trung Quốc thụ lý.
Vụ kiện thất bại nhưng Sun không buông bỏ: "Tôi muốn thay đổi chính sách và nhận thức về kết hôn đồng giới ở Trung Quốc", Sun chia sẻ.
Những ngày đầu tiên, Sun rất đơn độc. Để tạo ra sự thay đổi chính sách đòi hỏi phải thay đổi từ những nhà làm luật. Trong năm 2016, Sun đã dành nhiều thời gian để đi xin chữ ký của các lãnh đạo tỉnh và đệ đơn lên Đại hội Nhân dân toàn quốc. Nhưng Sun đã phải ra về tay trắng.
"Một trong số họ nói sẽ ký nếu các đại biểu khác sẵn sàng thúc đẩy, nhưng ông ấy không muốn tiên phong", Sun nói về một nhà lập pháp, cũng là hiệu trưởng của một trường đại học địa phương, người đã kiên nhẫn lắng nghe anh.
Các nhà hoạt động cho rằng mong muốn của Sun là ảo tưởng - trên toàn cầu chỉ có 30 chính phủ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Trung Quốc không còn coi đồng tính là một bệnh tâm thần nhưng không gian dành cho cộng đồng người đồng tính đang bị thu hẹp. Tiếng nói của họ cũng bị hạn chế.
Cuối năm 2019, Sun sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Mạng lưới vận động bình đẳng trong hôn nhân Trung Quốc. Năm đó, tổ chức này dẫn đầu chiến dịch vận động hành lang để hôn nhân đồng giới được ủng hộ nhằm tạo tiếng vang trước thời điểm trình dự thảo sửa đổi luật Dân sự.
Nhóm của Sun nhận được 90% ủng hộ trong số 200.000 câu trả lời. Họ tràn đầy hy vọng nó sẽ được đưa vào Bộ luật Dân sự mới. "Khoảnh khắc đó tôi nhận ra mình không còn cô đơn", anh nói.
Đề xuất này đã không được đưa vào luật nhưng được xem là một chiến thắng, trở thành một cuộc đối thoại tầm quốc gia. Sun nói rằng thật vui mừng khi lần đầu tiên thấy nhiều người đứng lên đối chất với các nhà lập pháp và chia sẻ về tình yêu, cuộc sống, lẫn tình trạng bị phân biệt đối xử của họ.
Sun gặp Hu trên mạng năm 2014, lúc đó anh 24 và Hu 34 tuổi. Họ đã trúng tiếng sét ái tình, cùng đồng ý sống thử và về thăm gia đình nhau. Sau đám cưới, cặp đôi thu hút sự chú ý của báo giới. "Việc đăng ký và tổ chức đám cưới của chúng tôi đã tạo nguồn động viên mạnh mẽ cho những người đồng tính muốn công khai", Hu, người làm nghề bảo vệ cho biết. Tuy nhiên đám cưới nổi tiếng cũng khiến Hu không thích vì Sun dành nhiều thời gian cho vận động phong trào, dẫn đến bỏ bê gia đình và tình cảm của Hu.
Năm ngoái, một số thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, đã công nhận quyền giám hộ hợp pháp của những người cùng giới tính. Họ được hưởng các quyền lợi như các cặp vợ chồng đã kết hôn, bao gồm cả giấy ủy quyền và quyền thừa kế.
Tuy nhiên, để được hưởng quyền này phải kèm điều kiện, ví dụ như phải từng chung sống ít nhất bảy năm, hai người phải ra mắt cha mẹ hoặc chứng minh mối quan hệ ổn định.
Peng Yanhui, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận của Sun, cho biết: "So với giấy đăng ký kết hôn, việc giám hộ chỉ có thể bảo vệ một phần rất nhỏ quyền và lợi ích của chúng tôi, nhưng chúng tôi xem nó giống như một báu vật". Peng cho biết mong muốn của họ còn liên quan đến các vấn đề rộng hơn như sinh đẻ và nuôi dạy con cái...
Trong năm qua, tổ chức này đã tiến hành một nghiên cứu để đánh giá thái độ về hôn nhân trong cộng đồng LGBT. Báo cáo cho biết, khoảng 90% có ý định đăng ký kết hôn nếu được hợp pháp hóa ở Trung Quốc.
Nhớ lại năm năm trước lang thang trên đường phố hỏi mọi người nhận thức thế nào về hôn nhân đồng tính, người ta nói "ghê tởm", "bị bệnh". Năm nay, Sun chắc chắn câu trả lời sẽ "tích cực hơn và ủng hộ hơn".
Sun cũng nhớ đến tờ giấy đăng ký kết hôn của anh và Hu, vốn được cha mẹ Hu làm giả. Cho đến khi mẹ qua đời năm 2019, bà cất tờ giấy chứng nhận trong ngăn tủ cùng chứng chỉ học vấn, vòng tay ngọc bích và vàng của con trai mình. "Đó là những tài sản quan trọng nhất của mẹ. Nó cho thấy bà đã chấp thuận chúng tôi", Sun nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)