Hutchison là chuyên gia sinh học 44 tuổi ở Utah. Ông cho biết mình đăng ký thử nghiệm giai đoạn ba bởi cảm thấy bản thân đủ khỏe mạnh và có niềm tin lớn vào vaccine. Ông đặc biệt muốn hỗ trợ nỗ lực của Moderna vì bị hấp dẫn bởi công nghệ RNA mà hãng đang sử dụng. Dù còn thử nghiệm, vaccine có lợi thế về thời gian và năng suất. Điều này là ưu điểm trong đại dịch toàn cầu đã khiến 1 triệu người tử vong.
"Tôi rất tin tưởng rằng nó sẽ hoạt động và muốn đóng góp phần mình cho giải pháp này", Hutchison nói.
Song quá trình thử nghiệm không hề dễ dàng. Sau mũi tiêm đầu tiên vào ngày 18/8, ông cảm thấy hơi khó chịu và bị sốt nhẹ trong vài ngày. Ông tiêm mũi thứ hai tại phòng khám hôm 15/9. 8 giờ sau, ông nằm liệt giường, sốt 38,5 độ C, cảm thấy run rẩy, ớn lạnh, nhức đầu dữ dội và khó thở. Bắp tay ông sưng to và đau như bị bắn một phát súng. Hutchison hầu như không ngủ được vào đêm đó. Sau 12 giờ, tình trạng của ông bình thường trở lại.
Khi ký vào bản cam kết thử nghiệm vaccine, ông biết trước mình sẽ gặp các triệu chứng bất thường, nhưng không ngờ đến mức độ nghiêm trọng của chúng. "Nó giống như đã mắc Covid-19 luôn vậy", ông viết trên trang cá nhân hôm 16/9.
Nhiều tình nguyện viên khác tham gia thử nghiệm của Moderna báo cáo tác dụng phụ tương tự. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi ở Bắc Carolina cho biết bà không sốt, nhưng bị đau nửa đầu dữ dội. Điều này khiến bà kiệt sức và không thể tập trung trong suốt một ngày. Bà thức dậy vào sáng tiếp theo, cảm thấy khá hơn sau khi dùng thuốc giảm đau. Bà cho rằng Moderna cần khuyến nghị tình nguyện viên nghỉ một ngày sau khi dùng liều thứ hai.
"Nếu các triệu chứng này có nghĩa vaccine hiệu quả, các tình nguyện viên sẽ phải cứng rắn hơn. Liều đầu tiên không có gì to tát. Nhưng liều thứ hai chắc chắn sẽ khiến bạn kiệt quệ suốt cả ngày. Bạn cần nghỉ một ngày sau khi tiêm", bà nói.
Đối với những người trẻ, tình hình cũng không khả quan hơn. Một thanh niên 20 tuổi, sống tại Maryland, cho biết anh chỉ cảm thấy buồn nôn sau mũi vaccine đầu tiên. Đến liều thứ hai, anh thức dậy lúc 1 giờ sáng với cảm giác ớn lạnh, sốt 40 độ C. Cơn sốt giảm sau khi dùng thuốc, nhưng dai dẳng đến khoảng 8 giờ tối. Anh báo cáo triệu chứng của mình và Moderna đã nhanh chóng phản hồi.
"Tôi không chắc mình có cần đến bệnh viện hay không, vì sốt 40 độ là khá cao. Nhưng ngoài ra, mọi thứ vẫn ổn", anh nói.
Nghiên cứu giai đoạn một của hãng dược Pfizer chỉ ra rằng tình nguyện viên có thể bị "sốt trong thời gian ngắn, chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình". Song nhiều người tham gia thử nghiệm trải qua các triệu chứng nghiêm trọng hơn mong đợi.
Một tình nguyện viên cho biết anh đã thức cả đêm sau mũi tiêm đầu tiên bởi cơn đau vùng bắp tay. Các triệu chứng như giống cúm nặng sớm ập đến vào khoảng 1 giờ sáng. Biểu hiện dữ dội đến mức anh đã nghiến nứt một phần răng của mình.
"Chỉ nằm trên giường thôi cũng rất đau", anh chia sẻ.
Dù vậy, anh vẫn ủng hộ vaccine, cho biết nếu hiểu trước về triệu chứng, anh sẽ đăng ký tiêm thử vào cuối tuần để có hai ngày nghỉ ngơi. Anh nhận định việc nhiễm virus có thể còn tệ hơn điều này rất nhiều.
"Nếu vaccine được chấp thuận, tôi nghĩ mọi người đều nên tiêm chủng. Tôi cũng hy vọng hãng làm rõ nguyên nhân của các tác dụng phụ", anh nói.
Moderna và Pfizer đều thừa nhận vaccine của hai hãng có phản ứng phụ tương tự với mắc Covid-19 nhẹ, chẳng hạn đau cơ, ớn lạnh và đau đầu. Trong các thử nghiệm lâm sàng, một số công ty dược đã ngừng tiêm liều cao nhất sau khi nhận báo cáo về triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Tiến sĩ Florian Krammer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Mount Sinai, New York, cho biết tác dụng phụ của Moderna "dù khó chịu nhưng không nguy hiểm".
Vaccine Covid-19 không phải loại đầu tiên gây phản ứng trong thời gian ngắn ở một số người dùng. "Thực tế đơn giản là một số vaccine khó dùng hơn các loại khác", Helen Branswell, biên tập viên y tế tại Stat News, nhận định.
Vaccine Pfizer để lại triệu chứng nhẹ đến trung bình, có thể xảy ra ở người dùng liều 30 mcg. "Hãng chưa xác định rủi ro nào trong quá trình nghiên cứu. Như đã thảo luận trước đó, tính an toàn và khả năng dung nạp vaccine được giám sát liên tục bởi các nhân viên có trình độ và một ủy ban đánh giá dữ liệu độc lập bên ngoài".
Tuy nhiên, tình nguyện viên, chuyên gia sinh học Hutchison vẫn lo ngại rằng các nhà sản xuất đã không thông báo đầy đủ về tác dụng phụ của sản phẩm đến công chúng. Ông cho rằng nếu vaccine được chấp thuận trong thời gian tới, nó sẽ tạo ra luồng ý kiến trái chiều trên diện rộng. Các cuộc khảo sát đã cho thấy khoảng 35% dân Mỹ nói họ sẽ không chủng ngừa Covid-19, chủ yếu do thiếu lòng tin. Đó là lý do vì sao ông Hutchison, dù ủng hộ tiêm phòng, vẫn quyết định công khai các trải nghiệm của mình ngay lúc này.
Nhà Trắng đã triển khai "Chiến dịch thần tốc" nhằm đưa một loại vaccine ra thị trường trong thời gian kỷ lục. Điều này làm dấy lên lo ngại các hãng dược có thể đi lối tắt để đến với sản phẩm nhanh chóng hơn. Việc Tổng thống Donald Trump thúc đẩy triển khai vaccine trước cuộc bầu cử ngày 3/11 không giúp cho tình hình sáng sủa hơn. Các công ty đã cố gắng xoa dịu nghi ngờ của cộng đồng bằng cách ký tuyên bố chung vào tháng 9, cam kết đứng về phía khoa học thay vì chính trị.
Kolina Koltai, một nhà nghiên cứu vắc xin tại Đại học Washington, cho biết việc việc đẩy nhanh tốc độ của một chiến dịch vốn dài hơi như vaccine có thể phản tác dụng, ngay cả khi các thử nghiệm đã thành công tốt đẹp.
Thục Linh (Theo CNBC)