Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, khoảng một tuần nay, tăng đột biến tỷ lệ người gọi đến VNVC hỏi về việc có thể tiêm trộn vaccine Moderna và các loại vaccine khác không.
"Mẹ tôi được tiêm vaccine Moderna mũi 1 nhưng tới nay đã quá hạn tiêm mũi 2 rồi. Tôi lo lắng khi nghe ủy ban phường cho biết hiện vaccine Moderna chưa được phân bổ về địa phương. Vậy mũi 1 tiêm Moderna thì mũi 2 tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer có được không?", chị Thanh Hằng (ngụ Quận 1, TP HCM) thắc mắc.
"Nếu chúng ta tiêm mũi 1 vaccine Moderna nhưng sau đó vaccine Moderna này về không kịp thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer. Đặc biệt, ở những nước có vaccine Pfizer/Moderna, người bình thường đến tiêm chủng vaccine mũi 2 không nhớ mũi 1 đã tiêm vaccine loại gì, mà chỉ nhớ tiêm loại mRNA thì người đó vẫn được quyền tiêm Moderna hoặc Pfizer. Điều này chứng tỏ, sau khi tiêm vaccine Moderna mũi 1, chúng ta vẫn có thể tiêm vaccine Pfizer mũi 2, bởi vì nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện phối hợp như vậy", bác sĩ Trương Hữu Khanh dẫn giải.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm - bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng I, TP HCM cho biết: Sau khi tiêm vaccine Moderna mũi 1, chậm nhất tối đa 4 tháng phải tiêm mũi 2. Tuy nhiên điều đáng lo nhất là trong thời gian chờ đợi thì người dân có thể bị nhiễm bệnh. Về giải pháp, theo bác sĩ Khanh, một số nước trên thế giới khi thiếu vaccine Covid-19 đã tiêm trộn Moderna với Pfizer.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, các vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng ở Việt Nam gồm có AstraZeneca, Pfizer, Moderna... Theo nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới và Bộ Y tế Việt Nam cho phép nếu mũi 1 tiêm vaccine của AstraZeneca thì mũi 2 có thể chuyển đổi sang vaccine Pfizer. Hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức về việc tiêm mũi 2 bằng một loại vaccine khác cho những người đã tiêm vaccine Modena mũi 1. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp, căn cứ vào các nghiên cứu áp dụng tiêm ngừa Covid-19, một số quốc gia như Canada, Anh... khuyến cáo rằng tùy vào tình trạng vaccine của mỗi quốc gia, nếu đang có vaccine nào sẽ thực hiện tiêm tiếp theo mũi 2 bằng loại vaccine đó. Ví dụ các vaccine cùng công nghệ với nhau (mRNA) là Pfizer và Moderna vẫn có thể chuyển đổi lịch tiêm qua lại được (lần 1 tiêm Pfizer, lần 2 chuyển sang Moderna hoặc ngược lại).
Trong trường hợp người được tiêm vaccine mũi 1 bị phản ứng phản vệ sau tiêm từ độ 2 trở lên, các nước quy định sẽ chống chỉ định ở lần tiêm thứ 2 với cùng loại vaccine đó. Điều này có nghĩa, nếu mũi 1 tiêm vaccine công nghệ mRNA thì mũi 2 phải chuyển sang vaccine với công nghệ sản xuất khác như vaccine vector bởi chúng có thành phần vaccine khác nhau. Ví dụ lần 1 bị phản vệ với vaccine Pfizer (vaccine mRNA) thì lần 2 có thể chuyển sang tiêm vaccine như AstraZenaca có công nghệ sản xuất khác.
Việc thay đổi, phối hợp các loại vaccine Covid-19 một cách linh động đã được các nhà khoa học nghiên cứu, được thực hiện ở các nước trên thế giới và đã cho thấy hiệu quả tốt.
"Trong tình hình dịch như hiện tại, nếu có vaccine Covid-19 nào đã được WHO công nhận, các nước khác đã thực hiện tiêm chủng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) đang hướng dẫn thì người được tiêm nên tiếp tục phác đồ tiêm, miễn sao đảm bảo đúng lịch, đảm bảo khoảng cách thời gian giữa các mũi tiêm để cơ thể có được miễn dịch đầy đủ nhất chống lại căn bệnh nguy hiểm này", bác sĩ Bạch Thị Chính lưu ý.
Anh Ngọc