Thông tin được Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể" do Bộ Y tế vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, những người thừa cholesterol kiêng hoàn toàn nhóm chất béo là chưa hợp lý. Mọi người đều cần ăn chất béo hàng ngày, nên biết cách sử dụng và lựa chọn chất béo có lợi, tránh chất béo có hại, chứ không phải "chối từ" chất béo. Nhiều gia đình hầu như chỉ ăn các món luộc, điều này cũng không tốt.
Chất béo rất cần thiết, cần có trong chế độ ăn hàng ngày, là thành phần không thể thiếu để cấu tạo nên tế bào, nhất là các tế bào thần kinh và nhiều hormone trong cơ thể. Chúng còn cung cấp năng lượng, là dung môi giúp hòa tan các vitamin, giúp hấp thu các vitamin vào trong cơ thể. Thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến nhiều bộ phận, nhất là cơ quan thần kinh.
Trong bữa ăn của người trưởng thành, chất béo nên chiếm khoảng 20-25%. Tỷ lệ chất béo động vật không nên vượt quá 60% tổng số chất béo của khẩu phần ăn vào. Nhóm chất béo có lợi cho cơ thể (chất béo không no) có thể kể đến như Omega 3 - 6 - 9, Gamma - Oryzanol và Phytosterol. Đây là các axit béo cần thiết, chất chống oxy hóa giúp giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm. Nhưng những axit béo này cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ nguồn thực phẩm có chứa chất béo.
Cholesterol thực chất cũng là chất béo, rất cần cho các hoạt động của cơ thể. Cholesterol chủ yếu có 2 loại chính là cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL) với 2 nguồn sản sinh do gan tự tổng hợp (nội sinh) và đến từ thực phẩm (ngoại sinh). Cholesterol nội sinh thường tạo ra đủ lượng cholesterol cơ thể cần, trong khi, cholesterol từ nguồn thực phẩm ăn vào dễ gây thừa cholesterol. Nếu kiểm soát được chất béo thì có thể kiểm soát được tình trạng thừa cholesterol.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cholesterol thường có trong chất béo của động vật và thực vật. Nhóm chất béo đến từ thực vật, nhóm chất béo có lợi thường chưa được cung cấp đủ trong chế độ ăn hàng ngày. Nhóm chất béo có lợi cho sức khỏe dồi dào trong các loại cá biển như cá hồi, cá trích...; một số loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương, các loại hạt...
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai cho biết, trong một số loại dầu thực vật có các chất chống oxy hóa giúp kiểm soát cholesterol, trong đó, phải kể đến hai chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol trong dầu gạo lứt. Trong nhiều nghiên cứu của Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ cho thấy rằng, nếu sử dụng Gamma - Oryzanol đủ lượng có thể góp phần kiểm soát cholesterol tốt. Trong khi đó, Phytosterol là chất chống oxy hóa hỗ trợ bảo vệ tế bào gan.
Cholesterol thường có nhiều trong chất béo động vật và người Việt hầu như không thiếu loại chất béo này. Các loại mỡ, nội tạng động vật, da của gia cầm chứa nhiều chất béo no không có lợi cho sức khỏe. Mọi người nên hạn chế ăn thịt gia cầm có nhiều mỡ, thịt heo, bò quá mỡ và nội tạng động vật.
Bên cạnh lựa chọn chất béo có lợi, Phó giáo sư Lê Bạch Mai còn khuyến cáo người thừa cholesterol cần ăn đầy đủ, cân đối các nhóm chất đạm, bột đường, vitamin và khoáng chất. Chế độ ăn uống hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol.
Để theo dõi tình trạng cholesterol trong máu, những người 40-50 tuổi nên khám định kỳ 3-6 tháng một lần. Người trẻ hơn thăm khám khi có dấu hiệu bất thường như tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều, cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ không yên.
Ngọc An