Ngoài những việc không được làm khác theo các quy định chung, nhà giáo còn không được: Phân biệt đối xử giữa những người học; Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học; Ép buộc người học tham gia học thêm; Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định; Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
"Như thể, những vấn đề nổi cộm hiện nay trong ngành giáo dục đều chỉ do giáo viên, và chỉ cần áp dụng chế tài luật với mắt xích này là đủ", Khôi nói.
Nhận xét của một thầy giáo dạy văn như Khôi khiến tôi tìm đọc kỹ Dự thảo Luật Nhà giáo - đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Theo một đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP HCM vào tháng 9 và 10 năm nay, hơn 70% giáo viên được khảo sát cho rằng áp lực lớn nhất đến từ phụ huynh, trong đó có việc giáo viên bị bạo hành tinh thần liên quan tới kỳ vọng quá lớn của phụ huynh về điểm số của con em mình. Nói cách khác, tiêu cực xảy ra trong đánh giá người học không chỉ liên quan tới yếu tố chủ quan của giáo viên mà còn liên quan đến các thành phần khác trong xã hội - bao gồm phụ huynh và nhà quản lý - do bệnh thành tích. Dự thảo cũng chi tiết hóa nội dung cấm ép buộc người học tham gia học thêm, dễ gây ra cách hiểu không đầy đủ về mặt trái của học thêm dạy thêm. Mặc dù khảo sát trên cho biết, hơn 63% giáo viên được khảo sát mong muốn được phép đàng hoàng dạy thêm như một hình thức lao động chính đáng để cải thiện thu nhập, thực tế cho thấy, đây là nhu cầu từ hai phía. Học sinh, phụ huynh cũng có nguyện vọng cho con em mình trang bị thêm kiến thức, phục vụ nhiều mục đích khác nhau.
Pháp luật đóng vai trò ngày càng quan trọng và thể hiện sự phát triển về các giá trị và hệ tư tưởng của xã hội ở một quốc gia. Các bộ luật được xây dựng và hiệu chỉnh nhằm cố gắng có phạm vi điều chỉnh lên tất cả hoạt động trong đời sống. Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và luật sửa đổi năm 2020, những giá trị nền tảng chung được quy định ở các cấp từ Trung ương tới địa phương. Ở mức độ áp dụng trên phạm vi toàn quốc, Hiến pháp, bộ luật, luật ở cấp cao nhất rồi xuống dần đến các thông tư của bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ. Với những vấn đề chung có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực, việc ban hành luật có phạm vi áp dụng chung sẽ hiệu quả hơn luật có phạm vi áp dụng hẹp hay đặc thù.
Điều 22 Luật Giáo dục 2019 cũng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại các cơ sở giáo dục, trong đó có việc gian lận trong học tập, kiểm tra, thi và tuyển sinh. Hành vi này không nêu rõ chủ thể nên có thể được áp dụng cho bất cứ ai có hành vi đó, bất kể là học sinh hay giáo viên.
Vấn đề ép buộc học sinh của chính mình đi học thêm trong giáo dục hay câu chuyện tương tự trong các ngành khác được gọi là "xung đột lợi ích". Tại Pháp, vấn đề "xung đột lợi ích" chỉ được luật đề cập trong lĩnh vực công - liên quan ngân sách nhà nước, nhưng cơ quan chống tham nhũng quốc gia đã ban hành các thông tư hướng dẫn vấn đề này trong cả lĩnh vực tư. Bên cạnh đó, câu chuyện "xung đột lợi ích" cũng được quy định rõ trong các quy chuẩn quốc tế về quản lý nên các tổ chức áp dụng các chuẩn quản lý đó đều phải tuân thủ. Do mọi hoạt động có thu nhập đều chịu kiểm soát của cơ quan thuế nên giáo viên giảng dạy ở nơi khác cũng đều phải có hợp đồng giảng dạy kèm sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan với định mức tương ứng.
Ở Việt Nam, Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 cũng quy định về vấn đề "xung đột lợi ích" trong lĩnh vực công với người có chức vụ được bổ nhiệm. Dù vậy, trong lĩnh vực tư nhân hoặc với người không giữ chức vụ thì chủ đề này không được bàn đến. Do đó, giáo viên hay nhân viên không giữ chức vụ của nhiều ngành nghề khác không bị điều chỉnh bởi Luật phòng chống tham nhũng. Có lẽ vì vậy mà dự thảo Luật Nhà giáo mới đưa chủ đề này vào danh sách những việc giáo viên bị cấm làm. Tuy nhiên, chúng ta thiếu cơ chế quản lý các công việc bên ngoài trường của giáo viên (thông qua hợp đồng giảng dạy). Thay vì cấm giáo viên lao động, nhà quản lý cần luật hóa hoặc quy định hóa cách thức quản lý giáo viên làm thêm bằng chuyên môn của mình.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, sự quản lý minh bạch cần thiết hơn sự cấm đoán theo hướng liệt kê các hành vi quá chi tiết vào luật.
Những tiêu cực cụ thể bị cấm đoán gắn liền với chủ thể giáo viên sẽ hạ thấp người thầy mà không giải quyết được các bất cập của ngành, vốn còn do nhiều nguyên nhân khác.
Võ Nhật Vinh