Vì sao lại có câu chuyện này, vì sao mọi việc lại đi đến mức này là điều cần phân tích và mổ xẻ.
Trước hết, ta cần xem lại vị thế của người thầy trong xã hội xưa và nay.
Ngày xưa, trong thời phong kiến, giáo dục chỉ dành cho số ít, số người biết đọc biết viết chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội, nên người thầy là biểu tượng của tri thức. Trong làng ngoài xã, nếu có việc gì không biết phải xử lý thế nào, người ta cũng tìm đến để hỏi ý kiến của thầy.
Xã hội ngày xưa giản đơn, mối quan hệ thầy - trò gần gũi và bền chặt, lại được nhúng trong phông nền văn hóa đậm tính làng xã, gia đình, cũng làm cho người thầy có vị trí tôn kính, ngang với cha mình, ở trong lòng học trò. Người dạy học được trò gọi là thầy, tương tự gọi cha mình.
Cũng ngày xưa, chương trình giáo dục đơn giản, chỉ xoay quanh tứ thư ngũ kinh, với mục tiêu rất rõ ràng là học để làm quan, và hình mẫu hướng đến là trở thành người quân tử, nên người thầy biết rất rõ mục tiêu và ý nghĩa công việc mình làm.
Tương tự, người học cũng hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của việc học và gắng sức để đạt mục tiêu đó. Nhờ vậy, việc dạy và học trong thời phong kiến, tuy có rất nhiều hạn chế và khiếm khuyết, nhưng luôn phảng phất trong mình tinh thần của đạo học, của lẽ sống.
Đó là tinh thần học tập và kiếm tìm đạo lý, mà ngày đó, thường chỉ giới hạn trong đạo lý ứng xử, đạo lý làm người. Nhưng chỉ ngần đó thôi, cũng đủ làm cho việc học trở nên có đạo, mà nhờ vào việc có đạo đó, người thầy có được vị trí tôn sư.
Ngày nay, việc dạy việc học bị hòa trong muôn vàn hoạt động của đời sống. Số người biết đọc, biết viết cũng lên đến 98%. Việc học đã trở thành việc phổ biến, đại trà, chứ không còn dành cho số ít tinh hoa như trước nữa. Hệ quả là số người làm nghề dạy học lớn hơn so với trước rất nhiều. Theo thống kê, hiện nay chúng ta có hơn 1,4 triệu giáo viên ở tất cả bậc học.
Trong hơn 1,4 triệu giáo viên đó, giáo viên bình thường sẽ chiếm đại đa số, còn giáo viên tinh hoa, thực sự giỏi, sẽ ít ỏi. Đó là một thực tế cần thừa nhận và không nên buồn cho tỉ lệ ít ỏi này, vì ở đâu cũng vậy, những người được coi là giỏi, là tinh hoa thường rất ít, vì nếu không, họ đã chẳng được coi là giỏi, là tinh hoa.
Ngoài ra, ngày nay người thầy không còn độc quyền trong việc nắm giữ và trao truyền tri thức nữa. Người học có thể tìm thấy tri thức ở khắp mọi nơi, trong sách vở, trên internet... làm cho vị thế của người thầy bị suy giảm.
Sự phổ biến, miễn phí của tri thức, cùng các phương tiện học tập trực tuyến, nhiều lúc đã làm tôi nghĩ, nếu không cần học bạ và các kỳ kiểm tra bắt buộc, thì ngày nay nhiều gia đình sẽ chọn cho con tự học tại gia thay vì phải đến trường.
Chưa kể, sự hiểu lầm về bản chất của giáo dục như một dịch vụ thuần túy của thị trường, đã làm cho nhà trường bị coi là nơi cung cấp dịch vụ, còn người học là khách hàng thụ hưởng.
Những điều này cũng góp phần làm cho giáo dục, và do đó là người thầy, ít nhiều đánh mất vị thế thiêng liêng của mình trong nhận thức của xã hội. Trong hoàn cảnh đó, liệu ta có thể kỳ vọng vào việc khôi phục thái độ tôn sư trọng đạo của xã hội đối với người thầy và với ngành giáo dục?
Tôi cho rằng hoàn toàn có thể khôi phục lại điều đó. Bằng cách nào? Bằng cách khôi phục vai trò và sứ mệnh đích thực của người thầy, đó là nâng đỡ và phát triển con người.
Công nghệ có phát triển, kinh tế thị trường có luồn lách vào mọi ngóc ngách của đời sống, thì con người vẫn phải học hỏi và đối mặt với những câu hỏi rất cơ bản của việc sống như: Tôi là ai? Tôi phải sống như thế nào? Tôi có trách nhiệm gì, và có thể kỳ vọng gì, từ người khác và từ cuộc sống?... Đó là những câu hỏi căn cốt, làm cho người thầy vẫn trở nên cần thiết trong sự trưởng thành của con trẻ, bất chấp sự va đập của các vận động trong xã hội.
Nếu người thầy đồng hành cùng học trò, giúp học trò có được sự trưởng thành thực sự thông qua việc học, và đặc biệt, giúp học trò đối mặt với các câu hỏi căn cốt của việc học, việc sống, việc làm người... thì người thầy vẫn giữ được vị trí tôn sư.
Còn nếu thầy chỉ tập trung vào kiểm tra, đánh giá những kiến thức học thuộc, trừng phạt để duy trì sự tuân thủ, hay sa những hoạt động nặng về giả - diễn, những giải pháp mang tính đối phó... thì người thầy sẽ đánh mất vị trí trong lòng của học trò.
Rộng hơn, ngành giáo dục cũng như vậy. Nếu tập trung vào việc dạy cho học trò cách nghĩ, cách học, cách sống, cách làm việc, cách từng bước trưởng thành, cách yêu thương mình và người khác, cách bảo vệ tự nhiên, cách tạo giá trị cho xã hội... trong sự hồn nhiên và chân thật, theo đúng nhịp bước của sự trưởng thành, thì ngành giáo dục sẽ giữ được vị thế của mình, và luôn được xã hội kính trọng.
Nhưng để đạt được những điều đó liệu đó có phải là một nhiệm vụ quá khó cho tất cả chúng ta?
Nói khó thì rất khó, mà nói dễ thì cũng rất dễ, vì ở trái tim của giải pháp đó chỉ đơn thuần là lựa chọn để đi theo những điều chân thật. Trong giáo dục thì đó là dạy thật, học thật, thi thật, sống thật. Còn trong xã hội thì đó là nghĩ thật, nói thật, làm thật, phát triển thật...
Nếu nhà trường chưa làm được, thì gia đình cần phải làm như một giải pháp thay thế. Chỉ khi đó, những câu chuyện bi hài và đau lòng trong giáo dục, rộng hơn là trong mọi mặt của đời sống, mới giảm bớt.
Giáp Văn Dương