Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), cho biết người có bệnh mạn tính là một trong 11 nhóm ưu tiên để tiêm vaccine Covid-19.
Các loại vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt đều an toàn cho người bị suy giảm miễn dịch. Một số vaccine như AstraZeneca và Pfizer đã được thử nghiệm trên một số người có HIV và ghi nhận an toàn. Các vaccine này không sử dụng virus sống mà sử dụng các vật liệu di truyền. Các vật liệu di truyền này không thể tự nhân lên nên người có miễn dịch yếu cũng không sợ vaccine sẽ sinh ra virus trong cơ thể.
"Các loại vaccine phòng ngừa Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn có thể tiêm được cho người có HIV", bác sĩ Oanh nói.
Trước đây, một số ý kiến cho rằng thuốc kháng virus ARV có tác dụng ngăn ngừa Covid-19, song đến nay chưa có bằng chứng nào được thừa nhận. Các loại vaccine đã được phê duyệt không tương tác với thuốc ARV nên vaccine không làm giảm hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Oanh nhận định khó khăn của người bệnh HIV là sợ bị lộ thông tin cá nhân. Đây là nỗi lo hoàn toàn có cơ sở vì để được đăng ký vào diện ưu tiên, người bệnh HIV cần phải thông báo về tình trạng của mình cho cơ sở y tế hoặc đơn vị tổ chức tiêm phòng tại địa phương.
Theo bác sĩ Oanh, các cơ sở chịu trách nhiệm về tổ chức và triển khai chương trình tiêm cần thực hành đúng đắn để không vi phạm đến quyền được bảo vệ thông tin của người mắc HIV. Nếu cần thiết, cần có một quy trình đảm bảo thông tin và các cán bộ y tế cần được hướng dẫn về việc thực hiện. Bộ Y tế và Cục phòng, chống HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng để giám sát việc triển khai, gỡ bỏ rào cản này để người có HIV yên tâm tiếp cận với tiêm phòng.
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, hiện số người nhiễm HIV trong cộng đồng khoảng 250.000, trong đó hơn 213.000 người đã biết được tình trạng nhiễm.
Trung bình hàng năm, Việt Nam xét nghiệm HIV cho hơn 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000 đến 10.000 người nhiễm. Cả nước đang điều trị thường xuyên cho 150.000 người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV.