Ogai, một phụ nữ 48 tuổi ở Soma, đêm qua vội vã lái xe rời khỏi nhà sau khi mặt đất bớt rung chuyển. Ogai hướng tới khu vực cao hơn, khi lo sợ về nguy cơ lặp lại thảm họa động đất, sóng thần từng cuốn trôi ngôi nhà của cô 11 năm trước.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết trận động đất mạnh 7,3 độ xảy ra ở độ sâu 60 km ngoài khơi bờ biển tỉnh Fukushima khuya 16/3. Trận động đất khiến 4 người thiệt mạng và 97 người bị thương.
"Tôi thấy hai đợt rung chấn lớn, ôtô đậu bên đường rung lắc mạnh", một nhân viên bảo vệ ở thành phố Soma, tỉnh Fukushima cho biết. Một nhân viên bảo vệ khác ở thành phố Tagajo thuộc tỉnh Miyagi, nằm trên bờ biển phía đông Nhật Bản, nói đợt rung chấn thứ hai kéo dài gần một phút.
Một phụ nữ 46 tuổi ở thành phố Ishinomaki cho biết cảm thấy "rung lắc khủng khiếp" và rời nhà đi sơ tán khi trận động đất xảy ra. Một nhân viên văn phòng tại Iwanuma cho biết "rất khó đứng vững khi rung chấn mạnh như trận động đất 11 năm trước".
"Chấn động mạnh đến mức tôi phải ôm lấy cột trụ trong nhà để có thể đứng vững", Hideto Murakami, thị trưởng thị trấn Zao, tỉnh Miyagi, kể. "Tôi nhớ lại trận động đất kinh hoàng 11 năm trước".
Giới chức Nhật Bản sau đó phát cảnh báo sóng thần cao một mét ở một số vùng ven biển phía đông bắc, khuyến cáo dân chúng tránh xa bờ biển và cửa sông. Kyodo đưa tin các đợt sóng cao 30 cm đã xuất hiện tại khu vực cảng Ishinomaki ở Miyagi. Cảnh báo sóng thần sau đó đã được dỡ bỏ.
Ogai cùng 8 thành viên khác trong gia đình tới trú qua đêm tại một nhà thi đấu được biến thành trung tâm sơ tán. "Cả đêm tôi không ngủ được, nên quyết định quay về nhà sau khi nhận được thực phẩm và nước uống", cô chia sẻ. "Thật mừng khi cả gia đình đều an toàn".
Dân chúng ở nhiều nơi tại Nhật Bản, từ tỉnh Tokohu ở phía đông bắc tới thủ đô Tokyo, đều cảm nhận được rung lắc. Dư chấn thậm chí được ghi nhận tại Osaka, thủ phủ tỉnh Kansai.
Trận động đất làm mất điện ở khu vực đông bắc và miền đông Nhật Bản, ảnh hưởng tới 2,2 triệu hộ gia đình, trong đó 700.000 hộ ở Tokyo.
Tập đoàn Đường sắt Đông Nhật (EJR) thông báo chuyến tàu cao tốc shinkansen di chuyển từ ga Fukushima tới ga Shiroishizao với khoảng 100 hành khách bị trật bánh, nhưng không ai bị thương.
Trong cuộc họp khẩn sau trận động đất, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cảnh báo nước này có thể hứng trận động đất khác mạnh hơn "trong tuần tới hoặc lâu hơn", đồng thời kêu gọi mọi người cảnh giác.
Masaki Nakamura, quan chức JMA, nhận định quá khứ từng ghi nhận "10-20% khả năng xảy ra một trận động đất mạnh ảnh hưởng tới cùng khu vực trong tuần tới hoặc lâu hơn".
Nhật Bản nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, khu vực có các hoạt động địa chấn mạnh trải dài qua Đông Nam Á và vùng lòng chảo Thái Bình Dương, khiến quốc gia này là một trong những nước ghi nhận nhiều địa chấn nhất thế giới.
Cách đây 11 năm, trưa ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ xảy ra ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản, kéo theo các đợt sóng thần khổng lồ càn quét ba tỉnh duyên hải và nhiều tỉnh lân cận, khiến 15.000 người chết và hàng nghìn người mất tích.
Trận động đất và sóng thần còn gây hư hại hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, tạo nên cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau Chernobyl.
Nhật Bản ghi nhận khoảng 20% trận động đất có cường độ mạnh 6 độ trở lên trên toàn cầu, do đó nước này áp dụng các quy định nghiêm ngặt về xây dựng nhằm đảm bảo các công trình có thể chịu được dư chấn mạnh.
Đức Trung (Theo Japan Times, Mainichi, Nikkei)