Nghi thức một phút mặc niệm diễn ra vào 14h46 hôm nay (12h46 tại Hà Nội) tại nhiều tỉnh ở Nhật Bản. Đúng thời khắc này 11 năm trước, vào ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ, mức cao nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản, đã làm rung chuyển khu vực phía đông bắc nước này.
Vụ động đất dưới đáy biển kéo theo trận sóng thần kinh hoàng, tàn phá phần lớn những khu dân cư sinh sống ven biển trong khu vực.
Hai thiên tai liên tiếp khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp trục trặc kỹ thuật, gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sự cố nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, khi đó thuộc Liên Xô, vào năm 1986. Khoảng 18.500 người thiệt mạng hoặc mất tích sau thảm họa.
Tại Rikuzen - Takata thuộc tỉnh Iwate, nơi ghi nhận 1.808 người thiệt mạng vì thảm họa kép, nhiều người đến cơ sở tưởng niệm địa phương. Tên các nạn nhân được khắc trên bia tưởng niệm bằng đá, đặt bên trong tòa nhà.
"Khi tôi tìm đọc tên mẹ và những người bạn thời thơ ấu trên bia, tôi vẫn cảm nhận rõ nỗi đau khi trận sóng thần năm xưa cướp họ đi chỉ trong tích tắc. Tôi sẽ tiếp tục viếng thăm nơi này", Seiya Sasaki, 47 tuổi, chia sẻ.
Tại Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi, 1.432 người được ghi nhận đã thiệt mạng hoặc mất tích. Dân địa phương đến trung tâm cộng đồng đặt hoa, cầu nguyện cho những người đã khuất.
Takako Matsushita, 76 tuổi, từng làm giám đốc trung tâm này khi trận động đất lịch sử xảy ra. Khi sóng thần ập đến, chồng của bà, ông Takehiro, đang trên đường đón cháu ở nhà trẻ. Thi thể ông được tìm thấy ba tuần sau đó.
"Trong những năm qua, tôi cố hết sức chỉ để sống qua ngày. Đã 11 năm rồi, tôi cuối cùng đã có thể rơi nước mắt nhẹ lòng", bà chia sẻ.
Chính phủ Nhật Bản năm nay không tiếp tục chi ngân sách tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân vì sự kiện đã trôi qua một thập kỷ, nhưng chiến dịch tìm kiếm nạn nhân thường niên ở vùng Namie thuộc tỉnh Fukushima vẫn diễn ra.
Hơn 33.000 cư dân vùng Namie vẫn được xếp vào diện "sơ tán" vì họ đã phải di dời do nguy cơ phóng xạ từ sự cố nhà máy điện hạt nhân.
Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực khử độc những khu vực xung quanh nhà máy Fukushima nhiều năm qua. Sau thảm họa năm 2011, khoảng 12% diện tích tỉnh từng bị xếp vào diện không an toàn cho người sinh sống. Giờ đây, vùng phong tỏa chỉ còn chiếm khoảng 2,4% diện tích toàn tỉnh.
Ở vùng Tohoku bị tàn phá bởi sóng thần, một số người đã gặp nhau sáng sớm, đứng dọc theo bờ biển để cầu nguyện.
Trong khi đó, ngư dân Sadao Kon, 68 tuổi, người đã mất em gái, em rể và cháu trai trong thảm họa, cho biết ông cố quên đi ngày này.
"Tôi không chỉ mất người thân, mà còn chứng kiến quá nhiều nạn nhân vì năm đó tôi là chỉ huy một đội cứu hỏa", Sadao Kon nói. "Tôi cố không làm gì đặc biệt để tưởng nhớ ngày hôm ấy. Đó là một ký ức quá đau lòng mà tôi chỉ mong mình có thể lãng quên".
Trung Nhân (Theo AFP, Yomuiri Shimbun)