Cuối năm 2019, Katsuhiko Kaneko, 43 tuổi, quyết định về quê ở tỉnh Saitama do cảm thấy bị bào mòn sức lực khi làm việc trong ngành nhà hàng cạnh tranh ở Tokyo. Cùng với vợ Yuka Abe, 28 tuổi, họ về quê làm quản lý một nhà nghỉ nhỏ trong rừng có tên Rakuya. Các nhà nghỉ kiểu này thường cung cấp 2 bữa ăn với một đêm nghỉ ngơi và bồn tắm truyền thống.
Trước đây, Kaneko theo đuổi nghề đầu bếp sau khi tốt nghiệp đại học. Anh từng làm qua các vị trí khác nhau ở nhà hàng sushi tại Tokyo hay quán cà phê tại Hồng Kông. Có thời điểm, người đàn ông này làm việc tới 17 tiếng/ngày. Sức khỏe ngày càng suy kiệt, bác sĩ từng cảnh báo Kaneko sẽ chết nếu tiếp tục guồng quay như vậy.
Không muốn tiếp tục cuộc sống không ngày nghỉ, người đàn ông 43 tuổi quyết định nghỉ việc và về quê kinh doanh nhà nghỉ: "Mong muốn được sống giữa thiên nhiên đã thôi thúc tôi từ bỏ phố thị", anh nói. Kaneko nhận được sự ủng hộ của bạn gái, sau này là vợ.
Với cuộc sống mới, cặp vợ chồng trồng rau củ, nuôi gia cầm và tự tay làm các vật dụng gia đình thiết yếu từ gỗ cũng như các nguyên liệu khác. Trước đó, Kaneko cũng thuê đất trồng lúa, rau, củ để có thể phục vụ món ăn từ thực phẩm mình tự tay tạo ra.
Hai vợ chồng nuôi 5 con gà mái lấy trứng, trồng đậu nành, cà chua, cà tím, củ cải daikon, gừng, cà rốt, cũng như gạo và lúa mì để tự cung cấp thức ăn hàng ngày. Họ cũng làm mì udon cũng như bánh mì từ lúa mì. Rau cỏ trong bữa ăn cũng được lấy từ vườn nhà, phổ biến các loại như cỏ đuôi ngựa, ngải cứu hay diếp cá. Cả hai thường xuyên chia sẻ những hoạt động của trang trại cũng như nhà nghỉ trên trang cá nhân và nhận được nhiều sự quan tâm.
"Tôi đã từng rất mệt mỏi khi làm việc liên tục và không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Đôi khi chính việc tự làm ra nông sản, tự cung tự cấp ở một mức nào đó đem đến cho con người sự tự do", người đàn ông này nói.
Sự tự do mà anh đề cập tới, về bản chất là giá trị tinh thần hơn là vật chất. Vợ chồng Kaneko muốn chia sẻ tầm nhìn của họ về lối sống lý tưởng với mọi người và đã tìm thấy nền tảng để làm điều đó.
Dù vậy, Kaneko và Abe không thần thánh hóa việc bỏ phố về quê, cũng như không lý tưởng hóa khả năng tự cung tự cấp. Cặp đôi vẫn bỏ tiền để mua thịt cá, gia vị, trả hóa đơn tiền điện và nước bằng những sản vật họ thu hoạch được trong vườn nhà. Kaneko khẳng định rằng, cuộc sống của họ không phải là rời xa xã hội hiện đại.
Tháng trước, Abe đã có bài giảng về lối sống tự cung tự cấp tại quận Omotesando ở Tokyo. Cô nhấn mạnh, hai vợ chồng đã thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của lao động quá sức với lối sống chi phí cao, sau đó lại cố giảm bớt căng thẳng thông qua mua sắm.
"Chúng tôi đang tự túc hết mức có thể mà không cần tốn quá nhiều công sức. Bạn cũng không cần phải tự túc hoàn toàn để có lối sống như vậy", Abe khẳng định trong bài giảng.
Bất chấp các hạn chế trong tình hình Covid-19, buổi chia sẻ của hai vợ chồng thu hút rất đông người tham dự.
Người tổ chức chương trình, Jiro Fukai, 41 tuổi nói rằng Covid-19 đã khiến nhiều người muốn tự tay làm mọi thứ "càng nhiều càng tốt". Đặc biệt họ nhìn ra sự lệ thuộc của mình khi đứng trước những kệ thực phẩm trống trơn trong các siêu thị vào mùa dịch năm ngoái.
Những người đến nghe bài giảng của hai vợ chồng Kaneko và Abe có nhiều mục đích khác nhau. Một số muốn tập trồng lúa trên diện tích nhỏ, người khác lại mong muốn làm sao có thể vừa sống được ở nông thôn, vừa sống được ở thành thị.
"Tuy nhiên, hầu hết những người tham dự đều chia sẻ họ có cảm giác thiếu một vài thứ quan trọng trong cuộc sống hiện tại", Jiro Fukai nói.
Vy Trang - Hoàng Phong (Theo Nikkei Asia)