Đại đa số người trẻ và các gia đình từ khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc chuyển tới khu vực thủ đô Seoul - bao gồm Seoul, tỉnh Gyeonggi và Incheon - để tìm việc làm, để hưởng nền giáo dục hiện đại và cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Là nơi tập trung các trường học lẫn nơi làm việc tốt nhất của đất nước, khu vực thủ đô là nơi đặt trụ sở chính của 14 công ty trong danh sách Fortune 500 (những doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu), bao gồm Samsung và LG, thuật ngữ "In-Seoul" được sử dụng để làm nổi bật sự khác biệt cũng như sự tinh hoa.
Đối với một số người - ví dụ như Kim - những hứa hẹn về việc làm, các mối quan hệ và cuộc sống xã hội - khiến việc chuyển đến đây là một lựa chọn hợp lý. Nhưng đối với những người khác - như Noh - các vấn đề của thủ đô bao gồm ô nhiễm không khí, giá nhà đất tăng vọt và bất bình đẳng kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn, do đại dịch Covid-19. Đối với Noh, trốn chạy là lựa chọn duy nhất lúc này.
Dù Seoul là thành phố luôn chào đón những cơ hội và những khả năng cho việc tiến thân, nơi đây vẫn mang đến cảm giác tuyệt vọng rằng chính phủ không có nhiều nỗ lực để cuộc sống tốt đẹp hơn. Thành phố này vẫn là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.
Kim -27 tuổi - đã thất nghiệp và sống cùng bố mẹ ở thành phố Mungyeong, trước khi anh chuyển đến Seoul ba năm trước với hy vọng tìm được việc làm trong quân đội hoặc chính phủ. Anh sống ở ngoại ô Ilsan, phía bắc Seoul và dành mỗi ngày để làm nhiều các công việc bán thời gian khác nhau, đồng thời học tại một "cơ sở luyện thi" để chuẩn bị sẵn sàng cho bài kiểm tra đầu vào - thứ có thể quyết định số phận sự nghiệp của anh.
Sống ở thủ đô đã khiến anh phải đối mặt với những vấn đề của thành phố: Lái xe hơi hay đi phương tiện công cộng trong thành phố đều khổ sở, tắc đường kéo dài hàng giờ đồng hồ. "Những người ở độ tuổi của tôi cũng không thể sống ở trung tâm thành phố, vì giá nhà ở đây đắt vô lý", Kim nói. Mỗi tháng, anh trả khoảng 360 USD để thuê nhà. Để thuê nhà tại trung tâm Seoul, anh sẽ phải trả số tiền nhiều gấp ba lần. Theo Numbeo - một trang web so sánh chi phí sinh hoạt ở các thành phố toàn cầu - Seoul có giá căn hộ cao thứ ba trên thế giới.
Tương tự như Kim, Noh từng nghĩ đến việc kiếm công việc sản xuất video tại Seoul vào năm 2018. Tuy nhiên, sau vài năm vật vã rồi kiệt sức, anh đã khiến bạn bè của mình bất ngờ khi quyết định chuyển đến Naju - một thành phố cách Seoul khoảng 285km về phía nam với hơn 100.000 dân.
Tại đây, Noh bắt đầu thành lập công ty sản xuất nội dung có tên NiNaNo Planning. Rời xa Seoul, nhưng Noh hoàn toàn chưa thoát khỏi sự thu hút của đại đô thị. Phần lớn doanh thu công ty của anh đến từ công việc liên quan đến thiết kế sân khấu, chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế công nghiệp cho các tổ chức có trụ sở tại Seoul.
"Hầu hết các hợp đồng của chúng tôi đều ở Seoul, vì các trường đại học và công ty thuê chúng tôi đều tập trung ở thành phố đó", anh thừa nhận. "Tuy nhiên, phần nào số tiền kiếm được, chúng tôi đầu tư cho vùng nông thôn này, bắt đầu bằng việc xây dựng một tiệm cafe tại nơi vắng vẻ và thu hút giới trẻ tới bằng những sự kiện mà nơi này chưa từng có", anh nói.
Youth Alley - tiệm cafe của anh, hiện thu hút giới trẻ. Với sự hỗ trợ của chính phủ, Naju đã phát triển một nơi quê mùa, trở thành một thành phố với bộ mặt trẻ trung hơn, có đầy đủ các nhà hàng, quán cafe. "Mục tiêu của chúng tôi là nói với giới trẻ rằng tất cả những gì bạn cần làm là tận hưởng cuộc sống, và điều này không có nghĩa là bạn phải sống ở Seoul hay làm việc trong một tập đoàn lớn".
Tuy nhiên, Kim và Noh chỉ là một trong số những người ít ỏi can đảm "lội ngược dòng" rời Seoul. Người trẻ vẫn khao khát đến Seoul để đổi đời. Trong số 228 thành phố của cả nước, Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc đã lên danh sách 105 thành phố, quận và huyện thuộc khu vực có nguy cơ "bị xóa sổ" trong vòng 30 năm nữa, bởi số phụ nữ trẻ (20 đến 39 tuổi) của khu vực đó không bằng 1/2 dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên).
Đối mặt với tình thế này, chính phủ Hàn Quốc hiện hướng tới ý tưởng chuyển thủ đô hành chính từ Seoul đến Sejong - một thành phố tự quản đặc biệt cách Seoul khoảng 121 km về phía nam. Ý tưởng này từng được đưa ra từ năm 2002, tuy nhiên thay vì biến Sejong thành thủ đô hành chính mới, chính phủ Hàn Quốc đã biến nó thành một thành phố hành chính đa chức năng. Việc xây dựng thành phố bắt đầu tiến hành từ năm 2007. Đến năm 2012, 44 cơ quan hành chính trung ương và 16 viện nghiên cứu, phát triển quốc gia đã được chuyển đến thành phố này.
Hiện tại, Sejong có hơn 350.000 cư dân, tuy nhiên vẫn thiếu khoảng 150.000 so với mục tiêu đến năm 2030.
Thùy Linh (Theo SCMP)